Chùa Hang (TP. Thái Nguyên) là một điểm đến thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.
Hiện trên toàn tỉnh Thái Nguyên có 283 di tích đã được lập hồ sơ khoa học và quyết định xếp hạng theo quy định của Luật Di sản văn hóa; 19 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản cấp quốc gia. Đó là nguồn tài nguyên vô giá phục vụ cho ngành công nghiệp không khói phát triển.
Di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được coi là điểm đến, là cớ để khách du lịch tìm đến tham quan, trải nghiệm. Chính vì thế mà các địa phương trên cả nước, trong đó có Thái Nguyên đã có nhiều chính sách quan tâm đến việc phục hồi, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua hoạt động du lịch. Cũng thông qua du lịch, các giá trị di sản văn hóa được tuyên truyền, lan tỏa rộng rãi đến du khách trong nước, quốc tế.
Hầu hết những điểm đến tham quan du lịch là các di tích lịch sử văn hóa và di sản văn hóa phi vật thể truyền thống độc đáo được người dân gìn giữ, lưu truyền. Hiện, các di sản văn hóa trở thành công cụ hỗ trợ tích cực trong việc định vị hình ảnh, xây dựng thương hiệu du lịch của địa phương. Ví như “Tri thức trồng và chế biến chè Tân Cương (TP. Thái Nguyên) và Lễ hội truyền thống Núi Văn – núi Võ, xã Văn Yên (Đại Từ), đầu năm 2023, 2 di sản này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghiễm nhiên, 2 di sản này trở thành điểm nhấn quan trọng phục vụ cho ngành Du lịch khai thác, phát triển. Đặc biệt, những năm gần đây, các tỉnh trong vùng Việt Bắc thực hiện luân phiên tổ chức chương trình “Qua những miền di sản”. Nhân đó, các địa phương quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của ngành Du lịch, tạo cho du khách cảm nhận được sự lôi cuốn, sức hấp dẫn của di sản văn hóa và phấn chấn thực hiện hành trình khám phá.
Di sản văn hóa được khai thác phục vụ cho ngành Du lịch phát triển. Một định hướng đúng đắn của tỉnh, phù hợp với quy luật xã hội. Điều đó được tỉnh thể hiện thông qua việc ban hành nhiều nghị quyết, đề án liên quan đến phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Thái Nguyên định hướng cụ thể phát triển ngành Du lịch đến năm 2030 là phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, lợi thế đặc trưng của từng địa phương để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Để phát triển theo hướng bền vững, tỉnh chỉ đạo gắn phát triển du lịch với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Trong Đề án phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh cũng xác định nhóm giải pháp về sản phẩm du lịch, trong đó có phát triển các loại hình du lịch văn hóa, tâm linh, về nguồn dựa trên các khu di tích, điểm di tích, di sản văn hóa phi vật thể sẵn có.
Mục tiêu tỉnh đề ra đến năm 2025, trên địa bàn có 100% di tích được kiểm kê phân loại xác định giá trị và cấp độ bảo tồn; 100% hồ sơ khoa học di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã xếp hạng từ cấp tỉnh trở lên được số hóa.
Sau gần 3 năm tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, ngành Du lịch Thái Nguyên đã nhanh chóng phục hồi trở lại. Trong năm 2022, các điểm đến của tỉnh đón hơn 2,1 triệu lượt du khách, tổng doanh thu từ khách du lịch đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Sang hết 3 tháng đầu năm 2023, ngành Du lịch Thái Nguyên đón tiếp hơn 3.300 lượt khách quốc tế lưu trú tại các khách sạn. Các khu, điểm du lịch đã đón tiếp hơn 823.500 lượt khách tham quan; cơ sở lưu trú đón tiếp hơn 240.000 lượt khách; công ty lữ hành phục vụ hơn 17.000 lượt khách. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 279 tỷ đồng.
Tuy chưa đóng góp nhiều cho ngân sách địa phương, nhưng ngành Du lịch của tỉnh đã có xu hướng phát triển tốt, với nhiều loại sản phẩm du lịch di sản văn hóa mang thương hiệu đặc trưng, trong đó phải kể đến Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Địa điểm lưu niệm thanh niên xung phong Đại đội 915 TP. Thái Nguyên; Di tích đền Đuổm, huyện Phú Lương…
Đặc biệt hằng năm, tỉnh đều dành kinh phí cho việc tổ chức tập huấn, truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể như: Di sản văn hóa phi vật thể của người Dao; tiếng nói của dân tộc Sán Dìu; xây dựng các mô hình câu lạc bộ hát Soọng Cô (dân tộc Sán Dìu), hát Then (dân tộc Tày), hát Pả Dung (dân tộc Dao), múa Tắc Xình (dân tộc Sán Chí)… Qua đó cung cấp kiến thức cơ bản về loại hình dân ca, dân vũ cho người học, đảm bảo các học viên có thể biểu diễn, truyền dạy lại và giới thiệu đến du khách các sản phẩm văn hóa độc đáo riêng biệt của Thái Nguyên.
Di sản văn hóa thực sự trở thành tài nguyên cho ngành Du lịch khai thác, phát triển. Ngược lại, du lịch phát triển tạo động lực, động viên người dân và chính quyền địa phương biết tôn trọng hơn các giá trị to lớn của di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, qua đó nâng cao ý thức, trách nhiệm, đồng thuận bảo vệ, phục dựng làm sáng tỏ, gìn giữ, phát huy giá trị thông qua hoạt động du lịch, tạo sinh kế cho người dân nơi có di sản văn hóa.
Du lịch di sản văn hóa ngoài ý nghĩa tinh thần, còn mang lại nguồn thu đáng kể cho doanh nhân làm du lịch và cư dân sở tại. Hơn nữa, một phần của nguồn thu từ du lịch được đầu tư quay trở lại cho công tác bảo tồn, tôn tạo, phục dựng, lưu truyền di sản văn hóa. Không thể phủ nhận ngành Du lịch đã góp một phần quan trọng cho công tác bảo tồn, phát huy bền vững di sản văn hóa, tạo sức sống cho di sản văn hóa.
Theo Báo Thái Nguyên