Ngày 31/3/2023, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 3/2023. Đây là hội nghị thứ 9 diễn ra định kỳ hàng tháng kể từ tháng 7/2022. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Hội nghị lần này nhằm mục tiêu đánh giá tình hình xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường nước ngoài trong quý I/2023, đồng thời cập nhật các thông tin thị trường xuất khẩu, bàn thảo các giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động ngoại thương của Việt Nam trong thời gian tới.
Hội nghị thu hút trên 400 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí… đăng ký tham dự.
Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến trên nền tảng Zoom và fanpage Facebook của Cục Xúc tiến thương mại, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp từ 63 tỉnh, thành trên cả nước quan tâm tham dự.
Tập trung phát triển thị trường
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, bước vào 2023 tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam nói riêng có xu hướng suy giảm bởi lạm phát tăng cao, tổng cầu giảm trên phạm vi toàn thế giới. Một số chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu chịu tác động ngày một tiêu cực từ cuộc khủng hoảng này. Trung Quốc và một số nền kinh tế lớn cũng mở cửa trở lại nên sức cạnh tranh với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày một gay gắt. Bên cạnh đó, sự đổ vỡ của một số ngân hàng lớn ở Mỹ và Thụy sỹ đã ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu trong thời gian gần đây, trong nước có một số ngân hàng hoạt động rất khó khăn, được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Trái phiếu doanh nghiệp gặp sự cố nên gây khó khăn trong việc tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, từ đầu năm tới nay, nền kinh tế đất nước có tốc độ tăng trưởng 3,32% (giảm so với cùng kỳ). Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tăng 13,9%, tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, thị trường trong nước đạt kết quả tương đối tốt nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại. Xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm đạt 154,3 tỷ USD, giảm 13,9% nhưng xuất siêu tới 4,07 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2022 (1,9 tỷ USD).
Bộ trưởng thông tin thêm, trước những vấn đề đặt ra, tại Phiên họp thường kỳ tháng 3 và 3 tháng đầu năm, Chính phủ đã thống nhất 3 nhiệm vụ cơ bản để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước. Cụ thể, một mặt đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước; Tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước thông qua kích cầu tiêu dùng, kết nối giao thương, xây dựng thương hiệu sản phẩm, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển để cùng với thị trường nước ngoài giải quyết đầu ra cho các ngành sản xuất; Bên cạnh đó, đẩy mạnh sản xuất thông qua nhiệm vụ đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bằng chính sách thuế, hỗ trợ tiếp cận nguồn nguyên liệu, phát triển thị trường, hỗ trợ thủ tục trong hoạt động của doanh nghiệp.
Để góp sức thực hiện nhiệm vụ trên, tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận nhằm trước hết là đánh giá tình hình, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để tìm ra giải pháp khắc phục tình trạng hiện nay, lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu hàng hoá ít nhất bằng cùng kỳ năm 2022. Thứ hai, các Thương vụ tập trung dự báo tình hình kinh tế nước sở tại, từ đó đưa ra phản ứng chính sách cần có để tham mưu cho Bộ, Chính phủ đảm bảo lợi ích của quốc gia dân tộc, doanh nghiệp. Thứ ba, đề xuất chủ trương chính sách giải pháp từ phía Chính phủ, địa phương hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và người sản xuất để tận dụng tốt nhất các hiệp định thương mại tự do, nhất là hiệp định thế hệ mới góp phần thúc đẩy xuất khẩu và sản xuất trong nước.
Chương trình Hội nghị kỳ tháng 3/2023 bao gồm 2 phiên chính: Phiên 1 của Hội nghị dành cho đại diện các Thương vụ ở các thị trường xuất khẩu quan trọng và tiềm năng của Việt Nam từ 05 châu lục (Âu, Mỹ, Á, Phi, Châu Đại dương) gồm Hà Lan, Liên bang Nga, Hoa Kỳ, Mexico, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia, Nam Phi tham luận tập trung vào 03 nhóm nội dung, cụ thể là: Đánh giá tình hình thị trường và chỉ rõ những nguyên nhân, nhất là những nguyên nhân chủ quan tác động đến quan hệ thương mại với Việt Nam để tìm ra giải pháp cải thiện thương mại hữu hiệu; Đánh giá và dự báo tình hình kinh tế của các nước (khu vực) thuộc địa bàn phụ trách của Thương vụ, nhất là chính sách của các nước vừa qua và phản ứng chính sách cần có của Việt Nam; Đề xuất các chủ trương, chính sách, giải pháp từ phía chính phủ, địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất ở trong nước.
Phiên 2 của Hội nghị dành cho đại diện địa phương (Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận) và các hiệp hội ngành hàng (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam, Hiệp hội Rau quả Việt Nam) thảo luận về những khó khăn, thuận lợi đối với hoạt động xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu trong quý I/2023 vừa qua và dự báo tình hình trong thời gian tới, đề xuất nhu cầu hỗ trợ từ các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đối với việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa với các thị trường nước ngoài trong thời gian tới.
Triển khai nhiều hoạt động Xúc tiến thương mại
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng trước và giảm 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I/2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 3/2023 ước đạt 28,92 tỷ USD, tăng 24,4% so với tháng trước và giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý I năm 2023, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 23,6 tỷ USD.
Cán cân thương mại hàng hóa tháng 3/2023 ước tính xuất siêu 0,65 tỷ USD. Tính chung quý I năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,9 tỷ USD).
Cập nhật thông tin về thị trường Hoa Kỳ – Tham tán Thương mại Đỗ Ngọc Hưng cho biết, năm 2022 và 02 tháng đầu năm 2023 là giai đoạn kinh tế thế giới nói chung và khu vực thị trường Hoa Kỳ nói riêng gặp nhiều khó khăn và thuận lợi đan xen. Tuy nhiên, nhìn chung, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về cơ bản vẫn duy trì động lực tăng trưởng đóng góp quan trọng vào thặng dư thương mại của Việt Nam. Quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ không chỉ tập trung ở phương diện khai thác thị trường truyền thống, mở rộng thị trường/sản phẩm mới, tiềm năng mà còn ở phương diện bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp hai nước, hạn chế tác động tiêu cực, dỡ bỏ các rào cản thuế quan, phi thuế quan; ngoài ra, xử lý các vụ việc liên quan tới các quy định vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó thích hợp với các biện pháp phòng vệ thương mại do Hoa Kỳ áp dụng trong thời gian vừa qua.
Theo số liệu của Cục Thống kê Hoa Kỳ, tính đến tháng 1/2023 Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ (sau các quốc gia như Mexico, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh) với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 01 đạt khoảng 9,9 tỷ USD giảm 6,7% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm tỷ trọng 2,4% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hoa Kỳ. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 9,23 tỷ USD; nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 733,8 triệu USD, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm 2022, thâm hụt thương mại ở mức 9,1 tỷ USD, đứng thứ ba sau Trung Quốc và Mexico. Xét về xuất khẩu, Việt Nam đứng thứ 6 về tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ, chiếm 3,7% tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ từ các đối tác (vẫn giữ nguyên vị trí so với cùng kỳ 2022).
Đối với thị trường Canada, Tham tán Thương mại Trần Thu Quỳnh cho hay, trong bối cảnh thị trường thế giới tương đối ảm đạm, Canada vẫn là điểm sáng nhờ triển vọng thị trường khá khả quan. Canada là nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khối G7, duy trì được tăng trưởng việc làm, khống chế được lạm phát, nhờ đó nhu cầu nhập khẩu của địa bàn vẫn được duy trì ở mức cao. Theo số liệu sở tại, xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn vẫn tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, là nước có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao nhất trong Asean sang địa bàn. Nhóm 10 mặt hàng chủ chốt của Việt Nam sang Canada vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao, trừ mặt hàng thuỷ sản giảm 26%.
Tuy nhiên, theo bà Trần Thu Quỳnh, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang địa bàn có thể bị tác động bởi nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan. Canada tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, vì vậy, có nhiều đối thủ cạnh tranh có cùng mặt hàng và lợi thế về thuế quan nên hàng hoá Việt Nam dễ bị thay thế kể cả khi đã vào được thị trường. Phong trào “Buy local” để giảm dấu chân carbon trong tiêu dùng được ủng hộ mạnh ở Canada cũng đang trở thành một hình thức gia tăng bảo hộ mới.
Ngoài việc chia sẻ thông tin thị trường, triển vọng ngành hàng và các nguy cơ, đại diện Thương vụ Canada cũng chia sẻ các thông tin về các chính sách, kế hoạch ngân sách và kế hoạch xây dựng văn bản pháp quy của Canada trong những lĩnh vực có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và triển vọng hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước.
Theo cục Cục Xúc tiến Thương mại, dự báo tình hình quốc tế thời gian tới vẫn còn diễn biến phức tạp. Các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu và dựng lên những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu; Một số quốc gia dự định áp đặt thêm các quy định cho hàng hóa nhập khẩu như thu phí cacbon, yêu cầu về hàm lượng tái chế đối với hàng nhập khẩu…; Các chính sách kinh tế của một số quốc gia tiếp tục có tác động không nhỏ đến các quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ trong thời gian tới…
Trước tình hình đó, Bộ Công Thương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát tình hình quốc tế và trong nước, dự báo sát tình hình từ cuối năm 2022 và đã thực hiện nhiều giải pháp như: Tổ chức Hội nghị thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu; Kết nối cung cầu giữa các doanh nghiệp sản xuất Việt Nam với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua các kênh xúc tiến thương mại, hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài; Hỗ trợ thông tin ở từng thị trường xuất khẩu, duy trì thị trường truyền thống; Tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường xuất khẩu mới; Triển khai nhiều hoạt động và các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa, kết nối tiêu thụ sản phẩm… Trong đó, Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài là một trong những hoạt động được Bộ Công Thương chú trọng thực hiện liên tục định kỳ hàng tháng, đã trở thành diễn đàn kết nối, cập nhật thông tin thị trường nước ngoài hữu ích, đồng thời đưa ra nhiều khuyến nghị về xúc tiến thương mại và phát triển thị trường xuất khẩu thiết thực của hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài đối với các cơ quan chính phủ, địa phương và doanh nghiệp trong nước.
Nguồn: Bộ Công Thương