Nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Trung Quốc theo tinh thần kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 11 năm 2022, nhận lời mời của Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam, Trung Quốc, đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam dẫn đầu đoàn công tác cùng 30 doanh nghiệp Việt Nam thăm và làm việc tại Hải Nam từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 4 năm 2023.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến thương mại, Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Nam – Trung Quốc (Hải Nam)
Đây cũng là đoàn công tác đầu tiên của Bộ Công Thương với sự tham gia đông đảo doanh nghiệp Việt Nam sang Trung Quốc ngay sau đại dịch nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước tìm kiếm, tận dụng tối đa những cơ hội sau khi Việt Nam và Trung Quốc đã chiến thắng đại dịch Covid-19. Đồng thời tìm hiểu những chính sách ưu đãi trong phát triển kinh tế, thương mại – hiện đang là lợi thế của tỉnh Hải Nam để tăng cường kết nối, giao thương, hợp tác đầu tư, kinh doanh, góp phần đưa quan hệ thương mại Việt – Trung ngày càng phát triển ổn định, cân bằng và bền vững.
Trong khuôn khổ chương trình làm việc tại Hải Nam, Bộ Công Thương phối hợp với Chính quyền nhân dân tỉnh Hải Nam, Trung Quốc tổ chức “Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Nam – Trung Quốc (Hải Nam)” bằng hình thức trực tiếp vào ngày 10/4/2023 tại Trung tâm Triển lãm quốc tế Hải Nam tại thành phố Hải Khẩu. Thông qua Hội nghị này, doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc nói chung và tỉnh Hải Nam nói riêng có cơ hội trao đổi, kết nối và đẩy mạnh hợp tác nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu chính ngạch các sản phẩm nông sản, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đã chính thức mở cửa cho phép nhiều loại nông, thủy sản có thế mạnh của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc trong năm 2022 và đón đầu tận dụng cơ hội Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch Covid – 19 từ ngày 08/1/2023, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Hội nghị do đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương và đồng chí Phùng Phi, Ủy viên BCH Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam đồng chủ trì.
Tham dự Hội nghị, về phía Việt Nam còn có đồng chí Trần Văn Tam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre; đại diện một số Sở, ngành của tỉnh Bến Tre; đại diện các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương cùng với đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc và Thương vụ/Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại một số địa phương của Trung Quốc. Về phía Trung Quốc có Lãnh đạo một số cơ quan chức năng của tỉnh Hải Nam, Trung Quốc và đại diện một số Hiệp hội, ngành hàng của Trung Quốc. Về phía doanh nghiệp có khoảng 120 Công ty, Tập đoàn sản xuất, xuất nhập khẩu trong lĩnh vực nông, thủy sản và một số lĩnh vực khác của Việt Nam và Trung Quốc tham dự Hội nghị.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Nam Phùng Phi
Tại Hội nghị, Bộ Công Thương Việt Nam và Chính quyền nhân dân tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) giới thiệu định hướng hợp tác phát triển kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung và với tỉnh Hải Nam nói riêng, đồng thời chia sẻ về các cơ hội và tiềm năng trong hợp tác thương mại, đầu tư trong ngành Công Thương cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc tham dự Hội nghị.
Bên cạnh đó, hai Bên cũng bố trí chương trình kết nối, giao thương cho doanh nghiệp hai nước để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trao đổi, tìm kiếm cơ hội hợp tác phù hợp với nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của từng doanh nghiệp, qua đó đẩy mạnh và tăng cường quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa các địa phương của Việt Nam và tỉnh Hải Nam (Trung Quốc).
Là địa phương có vị trí địa lý rất gần Việt Nam và đang được Chính phủ Trung Quốc quy hoạch, xây dựng là “Cảng thương mại tự do lớn nhất thế giới” và dự kiến sẽ chính thức trở thành Khu ngoại quan trước năm 2025, tỉnh Hải Nam trong tương lai gần sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong quan hệ thương mại giữa ASEAN – Trung Quốc nói chung và giữa Việt Nam – Trung Quốc nói riêng. Vì vậy, Hội nghị Xúc tiến Thương mại, Đầu tư và Hợp tác kinh tế Việt Nam– Trung Quốc (Hải Nam) là dịp mở ra những cơ hội mới, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc tăng cường hơn nữa giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư trên cơ sở khai thác hiệu quả những lợi thế và tiềm năng của mỗi Bên, qua đó góp phần tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ kinh tế – thương mại Việt Nam – Trung Quốc phát triển ổn định, cân bằng và bền vững.
Tỉnh Hải Nam là địa phương nằm ở phía Nam của Trung Quốc có diện tích đất liền 32.900 km2. Từ năm 1950 đến năm 1988, khu vực này là một phần của tỉnh Quảng Đông, sau đó được tách ra và thành lập tỉnh Hải Nam đồng thời được chỉ định là một đặc khu kinh tế.
Dân số toàn tỉnh Hải Nam năm 2022 khoảng 10,2 triệu người, GDP toàn tỉnh đạt 681,8 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 100 tỷ USD), GDP bình quân đầu người khoảng 9.800 USD. Theo thống kê của Hải quan Hải Nam, kim ngạch ngoại thương của tỉnh Hải Nam năm 2022 đạt 30 tỷ USD tăng 32,3% so với năm 2021, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 10,7 tỷ USD tăng 112%, nhập khẩu đạt 19,3 tỷ USD tăng 9,4%. Theo số liệu thống kê của Hải Nam, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đạt 1,35 tỷ USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Hải Nam sang Việt Nam đạt 695,2 triệu USD, tăng 171,9%; kim ngạch nhập khẩu của tỉnh Hải Nam từ Việt Nam đạt 658 triệu USD, tăng 7,5%, các mặt hàng chủ yếu bao gồm gỗ và sản phẩm từ gỗ, kim loại, khoáng sản… Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 8 của tỉnh Hải Nam năm 2022. Tháng 6 năm 2020, Trung Quốc đã công bố Kế hoạch tổng thể xây dựng Cảng thương mại tự do Hải Nam, một kế hoạch quy mô lớn nhằm biến toàn bộ tỉnh đảo này thành Cảng thương mại tự do (FTP) – biến Hải Nam thành đặc khu kinh tế lớn nhất ở Trung Quốc. Các chính sách được xây dựng để giảm sự phụ thuộc của Hải Nam vào các ngành truyền thống và dịch vụ, trở thành một địa điểm quan trọng cho thương mại và đầu tư ở Trung Quốc. Các lợi thế của tỉnh Hải Nam trong thu hút đầu tư nước ngoài – Vị trí thuận lợi và chất lượng cuộc sống: Hải Nam đã trở thành một điểm đến du lịch nổi tiếng nhờ lợi thế tự nhiên đặc biệt và nguồn tài nguyên du lịch phong phú, bao gồm các vùng ven biển nhiệt đới, rừng mưa nhiệt đới hoang sơ, suối nước nóng địa nhiệt và phong tục tập quán dân tộc phong phú. – Chính sách ưu đãi: miễn thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng và tiêu dùng đối với một số chủng loại hàng hóa, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp còn 15% so với mức 25% của Trung Quốc, miễn thuế đối với thu nhập doanh nghiệp ở nước ngoài, Khấu trừ trước thuế một lần hoặc khấu hao nhanh và khấu hao đối với tài sản mới mua, miễn một phần thuế thu nhập cá nhân đối với những nhân tài cao cấp đủ điều kiện và đang cần làm việc gấp tại Hải Nam… – Sự hiện diện toàn cầu: Hòn đảo này đã được quốc tế công nhận khi tổ chức các sự kiện lớn, bao gồm Diễn đàn Châu Á Bác Ngao, Hội nghị thượng đỉnh BRICS, Cuộc họp của các nhà lãnh đạo hợp tác Mê Kông – Lan Thương lần đầu tiên và Hội nghị bàn tròn về hợp tác Trung Quốc – Châu Phi. Hải Nam đang từng bước để trở thành một khu thương mại tự do thí điểm thành công, một số chuyên gia kinh tế lập luận rằng tỉnh thậm chí có thể chiếm vị trí hàng đầu của Hồng Công trong tương lai với tư cách là khu cảng thương mại tự do hàng đầu của Trung Quốc./. |
NGUỒN: CỤC XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI