Ngày 6/2, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã có buổi tiếp và làm việc với Bà Stafaine Stallmeister, Quyền Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam. Hai bên đã trao đổi về Kế hoạch bảo đảm an ninh nước và sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới trong việc thực hiện kế hoạch tổng thể “Đảm bảo An ninh Nguồn nước, An toàn Đập và Hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Việt Nam từ một nước thiếu ăn nay đã trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Kim ngạch xuất khẩu nông sản năm 2022 đạt trên 53 tỷ USD. Đạt được thành tích này là nhờ Việt Nam đã đầu tư bài bản, đồng bộ vào hạ tầng nông nghiệp, chủ yếu là nguồn nước.
Việt Nam hiện đang phải đối diện với những thách thức lớn như thiên tai và biến động lớn của thị trường. Do đó, Việt Nam rất cần những giải pháp mang tính căn cơ, lâu dài. Điều này được thể hiện trong kế hoạch tổng thể “Đảm bảo An ninh Nguồn nước, An toàn Đập và Hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Theo chuyên gia của WB, ngành nước đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết những thách thức của ngành nông nghiệp. An ninh nguồn nước là việc duy trì nguồn nước, đảm bảo chất lượng nguồn nước, đảm bảo nguồn nước được sử dụng hiệu quả, chủ yếu trong ngành nông nghiệp, đảm bảo có đủ nguồn cung cấp nước cho khu vực đô thị và nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Bà Stafaine Stallmeister bày tỏ mong muốn WB được tham gia cùng chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện kế hoạch tổng thể “Đảm bảo An ninh Nguồn nước, An toàn Đập và Hồ chứa nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đưa quan hệ hợp tác về nguồn nước lên tầm cao mới với những hỗ trợ hiệu quả nhất, đảm bảo sự phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, để đảm bảo an ninh nguồn nước, kinh nghiệm của Việt Nam là chưa đủ, Việt Nam cần kinh nghiệm từ các nước khác trên thế giới. Cần đảm bảo đồng bộ về thể chế giữa chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương, thể chế vùng. Cần để khu vực tư nhân đầu tư vào nguồn nước.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết: Cần truyền thông đầy đủ, đồng bộ để các cấp, các ngành và người dân hiểu được đúng ý nghĩa của an ninh nguồn nước, truyền thông thay đổi nhận thức về an ninh nguồn nước. Mỗi đối tượng có cách tiếp cận khác nhau và phương tiện truyền thông khác nhau. Truyền thông đóng vai trò lớn trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước.
Theo chuyên gia của WB, Việt Nam và WB có thể tổ chức Đối thoại cấp cao để chia sẻ kinh nghiệm, thách thức, cách thức triển khai những kinh nghiệm quốc tế trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước tại Việt Nam. Việc thực hiện sản xuất nông nghiệp phát thải thấp cũng giúp đảm bảo an ninh nguồn nước.
Hai bên thống nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và WB có thể thành lập nhóm công tác chung về nguồn nước, tiến tới ký Chiến lược hợp tác ngành nước tại Việt Nam về các vấn đề thể chế, thông tin truyền thông, nước sạch nông thôn với những nội dung hợp tác phù hợp và kế hoạch triển khai cụ thể.
Nguồn: Bộ NN và PTNT