1. QUY ĐỊNH VỀ KIỂM TRA CƠ SỞ GIA CÔNG, SẢN XUẤT, NĂNG LỰC GIA CÔNG, SẢN XUẤT
1.1. Các trường hợp kiểm tra
Tổ chức, cá nhân lần đầu tiên nhập khẩu hàng hóa để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu
Khi phát hiện có dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân thay đổi thông tin về địa chỉ, ngành hàng, quy mô, năng lực sản xuất nhưng không thông báo với cơ quan hải quan
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa để gia công cho thương nhân nước ngoài nhưng thuê tổ chức, cá nhân khác thực hiện gia công lại toàn bộ hợp đồng gia công
Khi phát hiện dấu hiệu xác định tổ chức, cá nhân lưu giữ nguyên liệu vật tư, linh kiện nhập khẩu và sản phẩm xuất khẩu ngoài các địa điểm đã thông báo với cơ quan hải quan
Các trường hợp khác kiểm tra trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro.
1.2. Xử lý kết quả kiểm tra cơ sở gia công, sản xuất, năng lực gia công, sản xuất
Trường hợp không có cơ sở gia công, sản xuất thì tổ chức, cá nhân phải nộp đủ các loại thuế, tiền chậm nộp kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan nhập khẩu đến ngày thực nộp thuế và bị xử phạt vi phạm theo quy định đối với số lượng nguyên liệu, vật tư đã nhập khẩu không được ưu đãi thuế theo quy định
Trường hợp có đủ căn cứ xác định tổ chức, cá nhân nhập khẩu nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị vượt quá năng lực sản xuất hoặc thuộc ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật mà tổ chức, cá nhân không xuất trình được giấy phép hoặc giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hoặc nhập khẩu nguyên liệu vật tư, máy móc, thiết bị không phù hợp với ngành nghề sản xuất đã thông báo với cơ quan hải quan thì cho phép tổ chức, cá nhân được giải trình, chứng minh; trường hợp tổ chức, cá nhân không giải trình hoặc giải trình, chứng minh không hợp lý thì xử lý theo quy định và thực hiện kiểm tra sau thông quan, thanh tra chuyên ngành.
2. Thủ tục hải quan hàng gia công
Trước khi làm Thủ tục hải quan hàng gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, tổ chức, cá nhân thông báo cơ sở sản xuất cho cơ quan hải quan.
– Tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu báo cáo quyết toán việc quản lý, sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu, hàng hóa xuất khẩu.
– Địa điểm lưu giữ nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu và sản phẩm xuất khẩu phải nằm trong khu vực sản xuất của tổ chức, cá nhân; trường hợp lưu giữ ngoài khu vực sản xuất thì tổ chức, cá nhân phải có văn bản, gửi cơ quan hải quan xem xét, quyết định.
Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định Thủ tục hải quan hàng gia công, việc báo cáo quyết toán đối với nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị xuất khẩu, nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu; kiểm tra cơ sở sản xuất, năng lực sản xuất, tình hình sử dụng và tồn kho nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị.
3. Trách nhiệm tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hóa để gia công
Trước khi làm thủ tục nhập khẩu lô hàng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị đầu tiên để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu, tổ chức, cá nhân nộp cho Chi cục Hải quan nơi dự kiến làm thủ tục báo cáo quyết toán các chứng từ
Lưu giữ hợp đồng, phụ lục hợp đồng gia công, định mức sử dụng nguyên liệu, vật tư cho từng mã sản phẩm, sơ đồ thiết kế mẫu sản phẩm hoặc quy trình sản xuất, sơ đồ giác mẫu (nếu có) tại tổ chức, cá nhân và xuất trình khi cơ quan hải quan kiểm tra theo quy định của pháp luật.
Báo cáo quyết toán nhập – xuất – tồn về tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị, hàng hóa xuất khẩu; chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của định mức thực tế sản xuất sản phẩm xuất khẩu, số liệu báo cáo quyết toán và tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu.
Cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ, tài liệu liên quan đến hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nhà xưởng, máy móc, thiết bị; giải trình các số liệu, quy trình sản xuất liên quan đến việc sử dụng và tồn kho nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị khi cơ quan hải quan kiểm tra theo quy định của pháp luật.
4. Những câu hỏi thường gặp
4.1. Khi nào cần phải xin giấy phép gia công?
Theo quy định của pháp luật, không phải trong trường hợp nào bên nhận gia công cũng phải xin giấy phép gia công từ cơ quan có thẩm quyền mà chỉ trong trường hợp nhận gia công hàng hóa mà pháp luật quy định.
4.2. Quy trình thực hiện thủ tục hải quan hàng gia công như thế nào?
Bước 1: Thông báo hợp đồng gia công
Bước 2: Khai báo định mức
Bước 3: Nhập khẩu nguyên liệu
Bước 4: Xuất khẩu thành phẩm
Bước 5: Thanh khoản hợp đồng gia công
4.3. Làm thủ tục hải quan hàng gia công ở đâu?
Đối với thủ tục xuất khẩu: Đối với hàng hóa là sản phẩm gia công: Tổ chức, cá nhân được lựa chọn làm thủ tục tại Chi cục Hải quan thuận tiện.
Đối với thủ tục nhập khẩu: Đối với hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị nhập khẩu để gia công: Tổ chức, cá nhân được lựa chọn làm thủ tục nhập khẩu tại 01 Chi cục Hải quan sau đây:
– Chi cục Hải quan nơi tổ chức, cá nhân có trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh hoặc cơ sở sản xuất;
– Chi cục Hải quan cửa khẩu hoặc Chi cục Hải quan cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa;
– Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công thuộc Cục Hải quan nơi có cơ sở sản xuất hoặc nơi có cửa khẩu nhập.