Ngăn chặn và xử lý vi phạm về khoáng sản

Tăng cường công tác kiểm soát, hạn chế các vi phạm pháp luật về khoáng sản, các địa phương lập tổ công tác để kiểm tra, ngăn chặn, xử lý và xác định rõ trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.

Lập tổ công tác xử lý vi phạm

Tại An Giang, ngày 15/3, Ban chỉ đạo 389 (Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) tỉnh An Giang tổ chức ký kết liên tịch phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về khoáng sản trên đường thủy nội địa tỉnh An Giang năm 2023.

Theo đó, ba lực lượng gồm: Công an tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh sẽ cùng phối hợp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên đường thủy nội địa, tập trung quản lý, kiểm soát nguồn cát sông đang khan hiếm, ưu tiên cho các công trình trọng điểm quốc gia như: dự án đường tránh TP Long Xuyên; cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng…

Huy động lực lượng sử dụng đồng bộ các biện pháp đấu tranh và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, kinh doanh, vận chuyển, xuất khẩu khoáng sản trên các tuyến đường thủy nội địa, góp phần đảm bảo tạo điều kiện thuận lợi, công bằng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân…

Đối tượng cần tập trung quản lý, kiểm soát chặt là các doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác, xuất khẩu khoáng sản và các dự án nạo vét thông luồng chỉnh trị dòng chảy có tận thu khoáng sản. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có chứa mặt hàng khoáng sản (kể cả bến và bãi tập kết cát, sỏi lòng sông, đất mặt đất nông nghiệp, đá). Tập trung vẫn là các tuyến sông, kênh thuộc các khu vực có khả năng xảy ra khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.

Kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản; việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông đường thủy; vị trí được khai thác, thời gian hoạt động khai thác; kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế trong lĩnh vực tài nguyên; kiểm tra phát hiện xử lý nghiêm đối với các điểm tập kết và phương tiện khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.

Theo kế hoạch, Công an tỉnh An Giang sẽ thành lập 5 tổ công tác để kiểm tra, ngăn chặn và xử lý cát trên các nhánh sông Tiền, sông Hậu. Mỗi tổ có từ 8 đến 11 cán bộ, chiến sĩ. Đáng chú ý, sắp tới, Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang sẽ xem xét việc lắp đặt camera tại các khu vực khai thác cát để kiểm tra, ngăn chặn, chống thất thu.

Nghiêm cấm lợi dụng nạo vét khai thác cát trái phép

Tại Hà Nội, UBND TP vừa ban hành Kế hoạch số 85 về triển khai Chỉ thị số 38 của Chính phủ về tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản.

Kế hoạch nêu rõ, thành phố sẽ khắc phục triệt để các vấn đề hạn chế, tồn tại nêu tại Chỉ thị số 38/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng khoáng sản.

Đồng thời, nâng cao công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Tăng cường công tác kiểm soát, hạn chế các vi phạm pháp luật về lĩnh vực khoáng sản, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn thành phố.

Để làm tốt việc này, UBND TP giao các Sở, ngành liên quan và địa phương thực hiện các nhiệm vụ cụ thể với phương châm: “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ hiệu quả”.Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cùng các Sở, ban, ngành tham mưu UBND thành phố trong công tác phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ ngành liên quan để xác định khu vực cấm, tạm cấm hoạt động khoáng sản.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, tập trung vào công tác bảo vệ môi trường trong khai thác, đặc biệt là hoạt động khai thác, sử dụng cát, sỏi lòng sông; kiên quyết dừng khai thác, đóng cửa mỏ, cải tạo, phục hồi môi trường đối với những khu vực khai thác không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường theo quy định của pháp luật; rà soát, kiểm tra công tác đóng cửa mỏ đối với các giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực theo quy định.

Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan; UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động chế biến khoáng sản; xử lý nghiêm hoạt động buôn bán, xuất khẩu khoáng sản trái phép.

Công an TP Hà Nội phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan, chính quyền các cấp tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm đối với hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, vận chuyển và kinh doanh khoáng sản không rõ nguồn gốc hợp pháp, đặc biệt là khoáng sản cát lòng sông. Nghiêm cấm lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, khai thác khoáng sản trái phép…

UBND các quận, huyện, thị xã chủ động lập, triển khai kế hoạch bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, trong đó quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền cấp xã và tổ chức triển khai thực hiện. Đôn đốc các đơn vị giấy phép khai thác khoáng sản đã hết hiệu lực thực hiện việc lập đề án đóng cửa mỏ theo quy định của Luật Khoáng sản…

Nguồn: Bộ tài nguyên và môi trường

Bài viết liên quan

Bất cứ điều gì bạn cần, chúng tôi ở đây để giúp đỡ

Giải pháp hậu cần

Chúng tôi đáp ứng nhu cầu của khách hàng của chuỗi cung ứng.

Liên hệ chúng tôi

Đội ngũ chuyên gia tận tâm của chúng tôi đang ở đây cho bạn.

Yêu cầu báo giá

Yêu cầu nhận báo giá thuế quan nội địa từ chúng tôi.

Cuộn lên trên cùng

Yêu cầu báo giá dịch vụ