Sầu riêng là cây trồng chủ lực có thế mạnh xuất khẩu của Đồng Nai. Với tổng diện tích trên 11,3 ngàn ha, Đồng Nai hiện đứng đầu khu vực Đông Nam bộ và đứng thứ tư cả nước về diện tích sầu riêng
Vào giữa tháng 6 năm 2023, lần đầu tiên, Đồng Nai tổ chức “Lễ công bố xuất khẩu chuyến hàng sầu riêng đầu tiên theo Nghị định thư ký kết giữa Bộ NN – PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Dịp này, tỉnh đã tổ chức tọa đàm “Nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, tăng sức cạnh tranh sầu riêng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc” với mục tiêu tăng vị thế cạnh tranh cho trái sầu tỉnh nhà trên sân chơi quốc tế.
Đồng Nai đang thực hiện đồng bộ các giải pháp từ nhân rộng diện tích vùng trồng sầu riêng, xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất, thu mua, chế biến để đẩy mạnh xuất khẩu cây trồng chủ lực này.
Dự kiến xuất khẩu 20 ngàn tấn sầu riêng
Sầu riêng là cây trồng chủ lực có thế mạnh xuất khẩu của Đồng Nai. Với tổng diện tích trên 11,3 ngàn ha, Đồng Nai hiện đứng đầu khu vực Đông Nam bộ và đứng thứ tư cả nước về diện tích sầu riêng. Trong đó, diện tích đang cho thu hoạch gần 6,6 ngàn ha và dự kiến sản lượng năm 2023 khoảng 69 ngàn tấn.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh, Đồng Nai đang tích cực xây dựng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Đến nay, toàn tỉnh có 11 vùng trồng sầu riêng với diện tích 820 ha được cấp mã vùng trồng. Dự kiến năm 2023, Đồng Nai sẽ xuất khẩu 20 ngàn tấn sầu riêng, mang lại trị giá 50 triệu USD.
Tại tọa đàm “Nâng cao tiêu chuẩn chất lượng, tăng sức cạnh tranh sầu riêng xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc” được tổ chức vào giữa tháng 6, các ý kiến của doanh nghiệp (DN) xuất khẩu sầu riêng tập trung vào nội dung xây dựng thương hiệu cho sầu riêng Việt Nam nói chung, của Đồng Nai nói riêng bằng uy tín chất lượng. Trong đó, sầu riêng Đồng Nai được đánh giá cao về chất lượng.
Ông Từ Châu, Phó Tổng lãnh sự Trung Quốc tại TP.HCM khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc đang đẩy mạnh việc hợp tác trong xuất nhập khẩu nông sản.
Do khí hậu, Trung Quốc không phát triển được cây sầu riêng trong khi người tiêu dùng Trung Quốc lại rất ưa thích loại trái cây ngon, bổ dưỡng này.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu vào Trung Quốc 60 ngàn tấn sầu riêng, trị giá 180 triệu USD, chiếm 85% trị giá xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam.
Dự kiến năm 2023, sản lượng sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc sẽ tăng đáng kể, có thể vượt 1 tỷ USD. Tổng lãnh sự quán Trung Quốc sẵn sàng đóng vai trò tích cực làm cầu nối để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam, đặc biệt là của tỉnh Đồng Nai sang Trung Quốc.
Cũng theo ông Từ Châu: “Cung không đủ cầu nên giá bán sầu riêng ở Trung Quốc khá cao. Trong khi khảo sát tại các siêu thị, chợ và các vùng trồng sầu riêng của Việt Nam, chúng tôi rất ngạc nhiên về chất lượng ngon và giá rẻ của sầu riêng Việt Nam. Miền Nam Việt Nam trong đó có tỉnh Đồng Nai có sản lượng sầu riêng lớn, chất lượng cao, có tiềm năng hợp tác thương mại với Trung Quốc”.
Chú trọng thương hiệu về chất lượng sầu riêng
Nhằm xây dựng thương hiệu sầu riêng Đồng Nai trên thị trường xuất khẩu, tỉnh rất quan tâm đến hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cho trái sầu riêng. Theo đó, DN xuất khẩu đến nông dân cũng ngày càng chú trọng việc xây dựng thương hiệu sầu riêng Đồng Nai trên thị trường xuất khẩu.
Ông Đỗ Quang Hà, Tổng Giám đốc Công ty quốc tế mậu dịch Vạn Thành Hỷ (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) cho biết, các DN Trung Quốc và Việt Nam đã có quá trình hợp tác hơn 30 năm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu trái cây tươi.
Hiện DN đang tập trung hoạt động nhập khẩu, kinh doanh sầu riêng của Việt Nam tại thị trường Trung Quốc. Sầu riêng Việt Nam do DN nhập khẩu đã vào được các siêu thị và chợ đầu mối của Trung Quốc, có chỗ đứng nhất định.
Theo ông Hà: “Suốt quá trình hợp tác, chúng tôi đã chứng kiến được sự chăm chỉ của người nông dân Việt Nam để trồng được các loại trái cây với chủng loại ngày càng đa dạng, chất lượng ngày càng tốt. Chúng tôi cam kết sẽ đồng hành với các DN Việt Nam trong việc nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ tại Trung Quốc không chỉ với trái sầu riêng mà với các sản phẩm trái cây an toàn của Việt Nam”.
Ông Nguyễn Quốc Luật, Giám đốc của Công ty CP Phát triển công nghệ Sinh học (DONA Techno) tại TP.Long Khánh chia sẻ, DN có hơn 30 năm đầu tư và phát triển giống sầu riêng DONA, thương hiệu sầu riêng ngon của Đồng Nai.
Thời gian tới, DN tiếp tục xây dựng, phát triển và mở rộng thương hiệu sầu riêng DONA; tiếp tục đồng hành với nông dân hướng đến một nền nông nghiệp sạch và bền vững nhằm nâng cao, phát triển các chuỗi giá trị, giúp nông dân gặt hái được nhiều lợi ích hơn, tạo ra sản phẩm sạch cho thị trường.
Trên cơ sở thương hiệu sầu riêng DONA đã được bảo hộ tại thị trường trong nước và quốc tế, DN mong được hỗ trợ trong việc bảo hộ thương hiệu cũng như tăng sức cạnh tranh của thương hiệu này trên thị trường xuất khẩu.