Hướng dẫn chung
Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh vào/ra khỏi lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Quy trình thủ tục hải quan thông thường đối với hàng hóa xuất khẩu nhập khẩu gồm các bước:
Trước khi lô hàng tới doanh nghiệp cần thực hiện các việc sau:
Xác định mã số, xác định xuất xứ, xác định trị giá hàng hóa của lô hàng dự kiến xuất khẩu/nhập khẩu.
Thực hiện đăng ký kiểm tra chuyên ngành (nếu có)
Sau khi xác định mã số, xuất xứ hàng hóa, người khai hải quan cần xác định các chính sách hàng hóa liên quan đến mặt hàng xuất khẩu, nhập khẩu. Trường hợp hàng hóa thuộc diện quản lý chuyên ngành thì thực hiện các thủ tục đăng ký kiểm tra chuyên ngành, cấp phép theo quy định.
Đăng ký kiểm tra chuyên ngành và cấp phép có thể được thực hiện hiện qua cơ chế một cửa quốc gia https://vnsw.gov.vn/ hoặc tại đơn vị quản lý chuyên ngành theo quy định.
Chuẩn bị bộ chứng từ hàng hóa
Tùy theo loại hình xuất nhập khẩu mà người khai Hải quan phải chuẩn bị bộ hồ sơ hải quan khác nhau theo quy định. Hồ sơ hải quan được quy định tại Khoản 5 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều thông tư số 38/2015/TT-BTC
Lấy số quản lý hàng hóa
+ Thực hiện lấy số quản lý hàng hóa đối với tờ khai xuất khẩu hoặc tờ khai nhập khẩu không có vận đơn bằng các cách sau:
– Đăng nhập vào phần mềm ECUS5 (đối với các cảng đã áp dụng) theo các bước: Tờ khai HQ-> khai bổ sung-> đăng ký số định danh hàng hóa (hoăc tại ô số vận đơn của tờ khai xuất)
– Đăng nhập vào trang dịch vụ công địa chỉ: http://pus.customs.gov.vn.
+ Trường hợp hàng nhập khẩu có vận đơn, người khai hải quan thực hiện khai số vận đơn có tên người nhập khẩu “ số vận đơn” trên tờ khai điện tử nhập khẩu theo hướng dẫn tại tiêu chí 1.26, phụ lục II, thông tư số 38/2015/TT-BTC được sửa đổi bổ sung tại phụ lục I thông tư 39/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính
Trường hợp doanh nghiệp chưa có chữ ký số thì cần Chuẩn bị chữ ký số và đăng ký với cơ quan Hải quan.
Doanh nghiệp lần đầu làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa cần Đăng ký sử dụng Hệ thống và Cài đặt phầm mềm khai báo hải quan VNACCS/VCIS
Doanh nghiệp có thể ủy quyền cho một Đại lý làm thủ tục hải quan đại diện cho mình để tiến hành các thủ tục xuất khẩu.
Thực hiện thủ tục hải quan
Bước 1: Khai báo thông tin hải quan
Doanh nghiệp đăng nhập vào Hệ thống VNACC/VCIS; thực hiện khai báo thông tin tờ khai nhập khẩu, tờ khai xuất khẩu và nộp tờ khai hải quan, kèm các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan thông qua Hệ thống VNACCS
Bước 2: Hệ thống thực hiện phân luồng tờ khai
Người khai hải quan tại bước này thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS để tiếp nhận phản hồi của hệ thống về kết quả phân luồng, có thể thuộc một trong các luồng sau:
Luồng 1: Chấp nhận thông tin khai Tờ khai hải quan: trường hợp này doanh nghiệp được chấp nhận thông quan hàng hóa theo thông tin tờ khai Hải quan, chuyển sang bước 3
Luồng 2: Kiểm tra các chứng từ liên quan thuộc hồ sơ hải quan do người khai hải quan gửi qua hệ thống VNACCS/VCIS; nộp các chứng từ theo quy định phải nộp bản chính, hoặc kiểm tra các chứng từ có liên quan trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.
Trường hợp hồ sơ phù hợp thì chuyển sang thực hiện bước 3. Trường hợp hồ sơ không phù hợp hoặc có nghi vấn, cơ quan Hải quan quyết định chuyển tờ khai sang luồng 3 và thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa.
Luồng 3: Kiểm tra thực tế hàng hóa
Trường hợp này, người khai hải quan thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS để tiếp nhận thông báo, hình thức, mức độ kiểm tra thực tế hàng hoá do cơ quan hải quan thông báo qua hệ thống và đăng ký địa điểm, thời gian kiểm tra thực tế hàng hóa với cơ quan hải quan. Người khai Hải quan có trách nhiệm chuẩn bị các điều kiện để kiểm thực tế hàng hoá;
Bước 3: Nộp thuế và phí theo quy định
Trường hợp số thuế phải nộp bằng 0: Hệ thống tự động cấp phép thông quan và xuất ra cho người khai “Quyết định thông quan hàng hóa”.
– Trường hợp số thuế phải nộp khác 0:
Trường hợp đã khai báo nộp thuế bằng hạn mức hoặc thực hiện bảo lãnh (chung, riêng): Hệ thống tự động kiểm tra các chỉ tiêu khai báo liên quan đến hạn mức, bảo lãnh, nếu số tiền hạn mức hoặc bảo lãnh lớn hơn hoặc bằng số thuế phải nộp, hệ thống sẽ xuất ra cho người khai “chứng từ ghi số thuế phải thu” và “Quyết định thông quan hàng hóa”. Nếu số tiền hạn mức hoặc bảo lãnh nhỏ hơn số thuế phải nộp, hệ thống sẽ báo lỗi.
Trường hợp khai báo nộp thuế ngay (chuyển khoản, nộp tiền thông qua Cồng thanh toán điện tử 24/7): Hệ thống xuất ra cho người khai “chứng từ ghi số thuế phải thu. Khi người khai hải quan đã thực hiện nộp thuế, phí, lệ phí và hệ thống VNACCS đã nhận thông tin về việc nộp thuế phí, lệ phí thì hệ thống xuất ra “Quyết định thông quan hàng hóa”.
Bước 4: Thông quan hàng hóa / Giải phóng hàng/ Đưa hàng về bảo quản
Người khai hải quan thực hiện in danh sách container, danh sách hàng hóa trên Cổng thông tin điện tử hải quan (địa chỉ: http://www.customs.gov.vn) hoặc hệ thống khai của người khai hải quan và cung cấp cho Chi cục Hải quan quản lý khu vực cảng, kho, bãi, địa điểm để được thông quan/ giải phóng/ hoặc đưa hàng về kho bảo quản.
Trường hợp có sự thay đổi danh sách container, danh sách hàng hóa so với nội dung khai trên tờ khai hải quan khi hàng hóa đã vào khu vực giám sát hải quan, người khai hải quan in hoặc đề nghị công chức hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu in danh sách container, danh sách hàng hóa từ Hệ thống.
Trường hợp giải phóng hàng/đưa hàng về kho bảo quản doanh nghiệp cần hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu và nộp cho cơ quan hải quan để hoàn tất thủ tục thông quan hàng hóa.
Sau thông quan: thực hiện kiểm tra sau thông quan theo kế hoạch của cơ quan Hải quan