1. HÀNG CHUYỂN CỬA KHẨU LÀ GÌ
Chuyển cửa khẩu được giải thích “là việc chuyển hàng hóa, phương tiện vận tải đang chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan từ địa điểm làm thủ tục hải quan này đến địa điểm làm thủ tục hải quan khác.” (Khoản 1, Điều 4, Luật Hải quan).
Khái niệm về hàng hóa chuyển cửa khẩu được ghi nhận theo Thông tư 39/2018/TT-BTC bằng việc khẳng định, hàng hóa chuyển cửa khẩu bao gồm hàng hóa xuất khẩu chuyển cửa khẩu và hàng hóa nhập khẩu chuyển cửa khẩu. Cụ thể: (Khoản 28 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC).
Hàng hóa xuất khẩu:
Hàng hóa xuất khẩu đã thông quan hoặc giải phóng hàng vận chuyển từ địa điểm thu gom hàng lẻ (sau đây gọi tắt là kho CFS), cảng xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa được thành lập trong nội địa (sau đây gọi tắt là cảng cạn), kho ngoại quan, kho hàng không kéo dài, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng chuyển phát nhanh, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính đến cửa khẩu xuất; hàng hóa xuất khẩu thực hiện thủ tục hải quan vận chuyển độc lập đã xác nhận vận chuyển đến đích sau đó thay đổi cửa khẩu xuất;
Hàng hóa xuất khẩu đã thông quan hoặc giải phóng hàng vận chuyển từ kho CFS, kho ngoại quan đến cảng cạn, từ kho ngoại quan đến địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng chuyển phát nhanh, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính.
Hàng hóa nhập khẩu:
Vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến cảng đích ghi trên vận đơn, kho hàng không kéo dài, kho CFS, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tập trung tại cửa khẩu nhập, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng chuyển phát nhanh, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính hoặc đến cửa khẩu khác (bao gồm cả trường hợp hàng hóa nhập khẩu của nhiều chủ hàng trên cùng phương tiện vận chuyển, vận chuyển từ cửa khẩu nhập đến nhiều cảng đích ghi trên vận đơn).
Như vậy, hàng hóa chuyển cửa khẩu được xây dựng dựa trên việc đưa ra các đặc điểm đối với loại hàng hóa chuyển cửa khẩu, phụ thuộc vào hàng hóa xuất khẩu hay nhập khẩu và dĩ nhiên nó phải gắn liền với loại hình chuyển cửa khẩu.
2. THỦ TỤC HẢI QUAN HÀNG CHUYỂN KHẨU
Thủ tục hải quan là thủ tục bắt buộc đối với các thương nhân thực hiện hoạt động xuất, nhập khẩu và hàng chuyển khẩu cũng không ngoại lệ. Nội dung về thủ tục hải quan hàng chuyển khẩu được quy định tại Điều 89, Thông tư 38/2015/TT-BTC Quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành. Điều luật này phản ánh các khía cạnh sau:
Thứ nhất, hàng hoá kinh doanh chuyển khẩu được vận chuyển thẳng từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu không qua cửa khẩu Việt Nam thì không phải làm thủ tục hải quan. Đây là điều hoàn toàn đúng với nguyên tắc trong hoạt động quản lý xuất nhập khẩu, bởi thực tế, hàng hóa không qua cửa khẩu thì mọi hoạt động thủ tục hải quan không có ý nghĩa và làm mất thời gian, ảnh hưởng đến đơn vị kinh doanh.
Thứ hai, hàng hoá kinh doanh chuyển khẩu được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu, có đưa vào khu vực kho bãi thuộc các cảng biển Việt Nam (không đưa vào kho ngoại quan, không đưa vào khu vực trung chuyển hàng hoá), thủ tục kiểm tra, giám sát hải quan thực hiện như sau:
Trách nhiệm của thương nhân:
Nộp cho Chi cục Hải quan nơi có hàng hóa nhập khẩu chuyển khẩu 01 bộ hồ sơ gồm: Văn bản đề nghị chuyển khẩu hàng hóa; Vận tải đơn hàng nhập khẩu: 01 bản chụp.
Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu:
Tiếp nhận, kiểm tra bộ hồ sơ lô hàng nhập khẩu chuyển khẩu;
Xác nhận nhập khẩu và ký tên, đóng dấu công chức trên công văn đề nghị của doanh nghiệp;
Giám sát và theo dõi lô hàng chuyển khẩu cho đến khi xuất ra khỏi Việt Nam;
Sau khi hàng hóa xếp lên phương tiện, công chức hải quan giám sát tại cửa khẩu xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát trên văn bản đề nghị chuyển khẩu hàng hóa;
Trường hợp hàng hóa chuyển khẩu xuất qua cửa khẩu khác với cửa khẩu nhập nhưng cùng trong hệ thống khu vực cảng biển thuộc địa bàn giám sát của Cục Hải quan thì sau khi hàng hóa đưa vào khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu xuất, công chức hải quan giám sát xác nhận hàng đã qua khu vực giám sát trên văn bản đề nghị chuyển khẩu hàng hóa; việc giám sát hàng hóa đưa ra, đưa vào khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu thực hiện;
Trong quá trình kiểm tra, giám sát nếu phát hiện lô hàng chuyển khẩu có dấu hiệu vi phạm thì Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quyết định kiểm tra thực tế và xử lý theo quy định.
Với việc quy định về trách nhiệm của thương nhân và chi cục Hải quan cửa khẩu, các bên chủ động trong quá trình thực hiện, tiết kiệm thời gian và tạo hiệu quả trong quá trình thực hiện thủ tục, trong đó trách nhiệm của Chi cục hải quan là cực kỳ quan trọng, vừa phải đảm bảo quyền lợi cho thương nhân, vừa phải đảm bảo lợi ích cho nhà nước, thực hiện nhiệm vụ nhiệt tình, trung thực và triệt để.
Hàng hóa kinh doanh chuyển khẩu phải được xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong vòng 30 ngày kể từ ngày được Chi cục Hải quan cửa khẩu hoàn thành việc tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ hải quan hoặc kiểm tra thực tế hàng hóa. Việc quy định về thời hạn lưu giữ đối với hàng hóa nhằm ràng buộc trách nhiệm của thương nhân và tránh tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cửa khẩu.
Thứ ba, hàng hoá được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu có qua cửa khẩu Việt Nam và đưa vào kho ngoại quan, khu vực trung chuyển hàng hoá tại các cảng Việt Nam thì làm thủ tục hải quan theo quy định đối với hàng hoá đưa vào, đưa ra kho ngoại quan, khu vực trung chuyển hàng hóa tại các cảng Việt Nam. Thủ tục này được quy định tại Khoản 59 Điều 1 Thông tư 39/2018/TT-BTC, ở đây thương nhân phải thực hiện khai hải quan như đối với thủ tục nhập khẩu hàng hóa.
Thứ tư, hàng hóa kinh doanh theo phương thức chuyển khẩu phải đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam tại cửa khẩu nhập. Đây là cách để nhà nước kiểm soát một cách chặt chẽ nhất về hoạt động “ra-vào” cửa khẩu.
Thứ năm, hàng hoá kinh doanh chuyển khẩu thuộc đối tượng được miễn kiểm tra. Trường hợp phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì thực hiện kiểm tra thực tế hàng hóa. Điều này nhằm tạo điều kiện cho đơn vị kinh doanh hàng hóa, nhưng cũng không làm mất đi tính kiểm soát của nhà nước.
Việc thông quan với loại hình hàng nhập khẩu vận chuyển độc lập, vận chuyển kết hợp (chuyển cửa khẩu) tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp (do doanh nghiệp không cần phải tới tận cửa khẩu nhập hàng để làm thủ tục hải quan) nhưng cũng nhiều doanh nghiệp lợi dụng loại hình này để gian lận thương mại, buôn lậu, trốn thuế. Để có thể quản lý tốt với loại hàng này đòi hỏi phải có một quy trình thủ tục hải quan hoàn chỉnh đặc biệt là công tác giám sát hải quan (nhiệm vụ chủ yếu của Chi cục Hải quan cửa khẩu) vừa tạo thông thoáng cho hoạt động xuất nhập khẩu, vừa bảo đảm yêu cầu quản lý chặt chẽ. Trước tình hình trên thì ngành hải quan cần có hoạt động “giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu vận chuyển độc lập, vận chuyển kết hợp” một cách thống nhất và hiệu quả.
Khi nhắc đến hàng hóa chuyển cửa khẩu, cần chú ý đến hoạt động quản lý hải quan. Do tính chất gián đoạn thủ tục hải quan về không gian và thời gian, việc quản lý hải quan về không gian và thời gian, việc quản lý hàng hóa chuyển cửa khẩu chính là quản lý khâu chuyển tiếp giữa hai quá trình thủ tục hải quan. Việc quản lý tốt hàng chuyển cửa khẩu giúp cho công tác hải quan đối với hàng hóa được tiến hành thông suốt, thuận lợi và đảm bảo đúng, đủ, chính xác quy trình thủ tục hải quan.
Tại Việt Nam, vai trò của Hải quan rất quan trọng trong việc tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế, thực hiện chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.Đồng thời là công cụ của Đảng và Nhà nước để bảo vệ an ninh kinh tế, an ninh quốc gia, ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, giám sát hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam là hết sức cần thiết trong giai đoạn phát triển đất nước hiện nay.