1. Khái niệm C/O Form S
C/O form S sử dụng cho các loại hàng hóa xuất khẩu sang Lào. Theo đó khi hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Lào sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan theo Hiệp định Việt Nam – Lào. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa mẫu S là cơ quan được Bộ thương mại ủy quyền cấp C/O form S.
2. Thủ tục xin cấp C/O Form S
Các doanh nghiệp muốn xin C/O form S, thì cần chuẩn bị một số giấy tờ như sau:
- Đơn đề nghị cấp C/O form S đã được kê khai thông tin hoàn chỉnh.
- C/O form S đã được kê khai các thông tin hoàn chỉnh và đúng quy định.
- Bản sao công chứng tờ khai hải quan đã hoàn thành mọi thủ tục hải quan hoặc chứng từ tương đương.
- Hóa đơn thương mại (Commercial invoice)
- Vận tải đơn – Bill of lading – Airway bill hoặc bản sao công chứng chứng từ vận tải tương đương.
- Bảng tính toán chi tiết hàm lượng khu vực hoặc bảng kê khai mã HS các nguyên liệu đầu vào và HS sản phẩm đầu ra hoặc bảng kê khai tiêu chí xuất xứ hàng hóa thuần túy “WO”.
- Hóa đơn mua nguyên liệu, hàng hóa hoặc tờ khai hải quan nhập khẩu các nguyên liệu, phụ tùng dùng trong sản xuất hàng hóa (nếu đơn vị sản xuất phải nhập khẩu nguyên liệu).
- Quy trình sản xuất hàng hóa cụ thể.
- Các loại giấy tờ khác. Tổ chức cấp C/ O có thể yêu cầu người xin C/O form S cấp thêm các chứng từ liên quan đến sản phẩm xuất khẩu như: Tờ khai hải quan nhập khẩu nguyên liệu, giấy phép xuất khẩu, hợp đồng mua bán, hóa đơn giá trị gia tăng…để chứng minh xuất xứ hàng hóa.
3. Quy trình xin cấp C/O Form S
Bước 1: Người xin đề nghị cấp C/ O sẽ đăng ký hồ sơ thương nhân lần đầu tại hệ thống ecosys.gov.vn và gửi cho Tổ chức cấp C/O xét duyệt. Sau khi tài khoản được xét duyệt, bạn sẽ gửi đơn đề nghị cấp C/O điện tử hoặc gửi trực tiếp hồ sơ giấy cho phòng nhận hồ sơ C/O của Tổ chức cấp C/O.
Bước 2: Tiếp đến, thương nhân sẽ phải gửi file đính kèm hồ sơ đề nghị cấp C/O form S cho Tổ chức cấp C/O. Bạn có thể nộp thông qua 3 cách là gửi hồ sơ trực tuyến tại địa chỉ ecosys.gov.vn, gửi bưu điện hoặc nộp hồ sơ giấy tại trụ sở Tổ chức cấp C/O (nơi bạn đã đăng ký hồ sơ thương nhân)
Bước 3: Tổ chức cấp C/O sẽ tiến hành kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ. Tùy vào tình trạng của từng hồ sơ, mà Tổ chức cấp C/O sẽ thông báo cho thương nhân với một trong số nội dung sau:
- Chấp nhận C/O và thông báo cụ thể thời gian thương nhân sẽ nhận được C/O.
- Đề nghị bổ sung chứng từ (nếu còn thiếu)
- Đề nghị kiểm tra lại thông tin chứng từ (kèm theo văn bản ghi rõ nêu cụ thể nội dung cần kiểm tra làm căn cứ cho việc đề nghị).
- Từ chối cấp C/O (trường hợp được quy định cụ thể tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP).
- Tổ chức cấp C/O đề nghị kiểm tra cơ sở sản xuất của thương nhân.
Bước 4: Cán bộ cấp C/O sẽ kiểm tra lại các thông tin, nhập dữ liệu vào hệ thống và trình người có thẩm quyền cấp và ký cấp C/O.
Bước 5: Người có thẩm quyền của Tổ chức cấp C/O sẽ ký cấp C/O.
Bước 6: Sau khi cấp C/ O cán bộ Tổ chức cấp C/ O sẽ đóng dấu, vào sổ và giữ lại một bản để lưu sổ và bản còn lại sẽ cấp cho thương nhân.
4. Thời hạn cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) Form S
Thời hạn cấp C/O form S sẽ không quá 3 ngày kể từ thời điểm người đề nghị nộp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
Trong một số trường hợp cần thiết, Tổ chức cấp C/O cũng có thể tiến hành kiểm tra trực tiếp cơ sở sản xuất khi phát hiện ra dấu hiệu vi phạm. Kết quả kiểm tra cũng phải được ghi rõ trong biên bản và được cán bộ kiểm tra, người đề nghị cấp C/O ký. Nếu người đề nghị cấp C/O không ký, cán bộ sẽ kiểm tra và ký xác nhận sau khi nêu rõ lý do. Thời hạn cấp C/O trong trường hợp này sẽ không quá 5 ngày kể từ khi người đề nghị cấp nộp hồ sơ hoàn chỉnh.
Trong mọi trường hợp, thời hạn xác minh C/O không được làm cản trở việc vận chuyển, thanh toán hàng hóa của người xuất khẩu, trừ khi ảnh hưởng này là do lỗi của người xuất khẩu.
5. Mẫu C/O Form S