5 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị xuất khẩu (XK) rau quả đã đạt 1,97 tỉ USD, tăng 39% so với cùng kì năm trước. XK rau quả được dự báo rất lạc quan trong năm nay, có thể vượt mức 4 tỉ USD. Đặc biệt, sầu riêng được dự báo sẽ gia nhập nhóm hàng XK trên 1 tỉ USD.
Xuất khẩu rau quả tăng lạc quan
Theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), trị giá XK hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 5.2023 đạt 600 triệu USD, tăng 137,7% so với tháng cùng kì năm trước. Với mức XK kỉ lục trong tháng 5.2023, tổng giá trị XK rau quả 5 tháng đầu năm 2023 đã đạt 1,97 tỉ USD, tăng 39% so với cùng kì năm trước. Điều đáng nói là, trong 1,97 tỉ USD, kim ngạch từ XK sầu riêng chiếm gần 10%.
Trong “điểm sáng” tăng trưởng XK các mặt hàng rau quả, thì XK sầu riêng tăng tới 573,1% so với cùng kì năm trước, đạt 190,5 triệu USD. Sầu riêng XK chủ yếu tới thị trường Trung Quốc, với trị giá chiếm 84,3% tổng trị giá XK trái sầu riêng.
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Quang Hòa – Tổng Giám đốc Dương Vũ Rice không giấu nổi niềm vui trong giọng nói: “XK sầu riêng đang rất nhiều tín hiệu tích cực nên từ vài tháng nay tôi tập trung buôn sầu riêng”.
Ông Đặng Phúc Nguyên – Chủ tịch Hiệp hội Rau Quả Việt Nam – cho hay, hiện tại, đang vào cao điểm thu hoạch nhiều loại trái cây của Việt Nam như: Mít, sầu riêng, vải thiều…, nên mỗi ngày có hàng trăm xe hàng chở hoa quả tươi lên các cửa khẩu của Lạng Sơn, trong đó lượng xe chở sầu riêng chiếm tỉ trọng khá lớn (sầu riêng chủ yếu XK qua cửa khẩu Hữu Nghị – Lạng Sơn).
“Dự báo, XK rau quả năm nay của Việt Nam có thể cán mốc 4 tỉ USD” – ông Đặng Phúc Nguyên lạc quan nhận định.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), từ đầu tháng 6.2023, cục đã phối hợp cùng các chuyên gia kiểm dịch thực vật của Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản thực hiện kiểm tra, đánh giá hệ thống xử lí quả vải tươi xuất khẩu sang Nhật Bản bằng Methyl Bromide của 2 cơ sở tại tỉnh Hải Hương và 1 cơ sở tại tỉnh Bắc. Cả 3 cơ sở xử lí đều được phía Nhật Bản công nhận và có thể tiến hành ngay việc xử lí quả vải tươi XK đi Nhật Bản theo kế hoạch.
Hơn nữa, mới đây, XK sầu riêng của Việt Nam vừa đón thêm tin vui khi Hải quan Trung Quốc đã duyệt thêm 47 mã số vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói đạt yêu cầu XK.
Theo đó, nước ta có 293 vùng trồng và 115 cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số XK chính thức sang thị trường này.
Trao đổi với PV Lao Động, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hoàng Trung nhấn mạnh: “Đây là tín hiệu rất tốt và hi vọng trong thời gian tới số lượng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói cũng như chất lượng của các mã số này sẽ được nhân lên. Từ đó, chúng ta không chỉ đáp ứng được về mặt lượng, mà cả về chất và duy trì một cách bền vững xuất khẩu nông sản có nguồn gốc trong thời gian tới”.
Đưa thương mại nông sản Việt Nam – Trung Quốc lên tầm cao mới
Ông Đặng Phúc Nguyên dự báo, với việc kí kết nghị định thư giữa Bộ NNPTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc, cùng với việc được đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, XK sầu riêng đang rất nhiều thuận lợi. Dự báo trong năm 2023, sầu riêng có thể “gia nhập” nhóm hàng XK trên 1 tỉ USD.
Hiện nay, có 11 loại trái cây của Việt Nam được XK chính ngạch sang Trung Quốc, bao gồm: Xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, măng cụt, chanh dây và sầu riêng. Còn theo Cục Xúc tiến thương mại (XTTM – Bộ Công Thương), Trung Quốc được coi là thị trường XK lớn nhất, quan trọng và tiềm năng cho trái cây tươi của Việt Nam.
Trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), đến nay Trung Quốc đã giảm thuế cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có trái cây tươi, mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp (DN) tiếp cận thị trường rộng lớn này.
* Để XK sang thị trường Trung Quốc, yếu tố đầu tiên cần phải vượt qua các “hàng rào”, gồm: Hàng rào kĩ thuật; kiểm dịch, tức sản phẩm phải đảm bảo không có những dịch hại đối với quả tươi hoặc vượt qua hàng rào y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm với sản phẩm chế biến. Một yếu tố nữa là hàng rào thuế quan. Ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt – Bộ NNPTNT
* Trung Quốc là thị trường chính của DN, giúp hoạt động XK của công ty tăng trưởng 20% doanh số 4 tháng đầu năm. Trong đó, năm 2023, DN đã có hợp đồng XK 1.500 container sầu riêng sang thị trường này. Ông Nguyễn Đình Tùng – CEO Vina T&T
Đọc bài gốc tại đây.