Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chủ động, tích cực thực hiện có trách nhiệm các nghĩa vụ của nước thành viên trước cộng đồng quốc tế. Bộ tiếp tục thúc đẩy, mở rộng các hoạt động đối ngoại, tăng cường thắt chặt mối quan hệ với các đối tác truyền thống, tìm kiếm mở rộng quan hệ với các đối tác mới tiềm năng, góp phần hỗ trợ công tác quản lý nhà nước lĩnh vực tài nguyên và môi trường của Bộ, đồng thời thực thi hiệu quả những cam kết và nghĩa vụ quốc tế liên quan đến môi trường, hướng đến phát triển bền vững.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lĩnh vực TN&MT
Trong 6 tháng đầu năm 2022, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác trong các khuôn khổ song phương ở phạm vi khu vực và quốc tế theo nhóm các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể như nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ giao, nhiệm vụ quản lý Nhà nước của Bộ; chủ động tham gia các khuôn khổ hợp tác sẵn có và tìm kiếm, mở rộng hợp tác trong các khuôn khổ hợp tác mới, có tiềm năng.
Tiếp tục thực hiện các hoạt động hợp tác khu vực/quốc tế, song phương, đa phương do Bộ Tài nguyên và Môi trường tham gia với tư cách cơ quan đầu mối của Chính phủ. Điển hình như triển khai các hoạt động hợp tác ASEAN về môi trường; Ủy ban Bão; Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO); Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCCC); Công ước Viên về bảo về tầng ô-dôn và các Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn; Công ước Stockholm về các chất POP tại Việt Nam; Công ước Đa dạng sinh học (CBD); Ủy hội sông Mê Công quốc tế; Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước; Mạng lưới lắng đọng axit vùng Đông Á (EANET);…
Đối với hoạt động hợp tác song phương, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục duy trì và thúc đấy hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường với các quốc gia gồm: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, CHDCND Lào, Campuchia, Ấn Độ, Vương quốc Anh, Phần Lan, Na Uy, Cộng hòa Liên bang Đức, Hà Lan, Italia, Đan Mạch, Hoa Kỳ….với nhiều nội dung phong phú, các dự án quan trọng, cụ thể như sau:
Bộ TN&MT phối hợp với Hàn Quốc xây dựng đề xuất Dự án “Thiết lập hệ thống giám sát và phân tích thiên tai quốc gia nhằm tăng cường năng lực quản lý rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam; Trao đổi, thống nhất nội dung hợp tác lần thứ 6 dữ liệu ra-đa, vệ tinh, dự án ODA, dự báo cảnh báo khí tượng thủy văn và phối hợp tổ chức Cuộc họp song phương lần thứ 6 giữa hai bên.
Tiếp tục thực hiện Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Khảo sát, ứng dụng thiết bị quan trắc nhanh môi trường nước sử dụng công nghệ Nhật Bản nhằm tăng cường năng lực quản lý môi trường nước” sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài do Công ty TNHH OPTEX Nhật Bản tài trợ; Triển khai các hoạt động hợp tác với Bộ Môi trường Nhật Bản (MOEJ) trong khuôn khổ Dự án “Hỗ trợ xây dựng kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu tại Việt Nam”; Tiếp tục thực hiện nhiệm vụ là Cơ quan thường trực Ủy ban hỗn hợp thực hiện Cơ chế tín chỉ chung giữa Việt Nam và Nhật Bản (JCM); Hợp tác trao đổi, chia sẻ số liệu dự báo tác nghiệp khí tượng thủy văn giữa hai bên; Hỗ trợ sửa đổi Luật Đất đai;
Làm việc với đại diện Đại Sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao về việc điều chỉnh Văn kiện dự án “Tăng cường năng lực quản lý lũ và hạn lưu vực sông Mê Công-Lan Thương” từ nguồn kinh phí Quỹ Mê Công – Lan Thương; trình Bộ phê duyệt điều chỉnh Văn kiện dự án để sớm triển khai thực hiện Dự án; Phối hợp triển khai thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác về khí tượng thủy văn giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào.
Trao đổi, thống nhất với Campuchia về nội dung và kế hoạch bàn giao sản phẩm của Dự án “Khôi phục và hoàn thiện mạng lưới độ cao Campuchia” giai đoạn 2 trong đó lễ bàn giao kỹ thuật được tổ chức cuối tháng 7 năm 20201; Đề xuất xây dựng hoạt động hợp tác giữa hai bên về khí tượng thủy văn thông qua các dự án hỗ trợ phía Campuchia.
Hợp tác trong khuôn khổ Thỏa thuận khung giữa Việt Nam – Ấn Độ về hợp tác khai thác và sử dụng không gian vũ trụ cho mục đích hòa bình; Thực hiện Dự án hợp tác ASEAN – Ấn Độ “Xây dựng trạm dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh”.
Triển khai Bản ghi nhớ về Chương trình đối tác dịch vụ thời tiết khí hậu (WCSSP) đã ký kết với Cơ quan Khí tượng Vương quốc Anh; Tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong Biên bản ghi nhớ với Cục Địa chất Vương quốc Anh và phối hợp với đối tác xây dựng đề án về vật liệu xây dựng đô thị, thí điểm tại Hà Nội.
Hợp tác thực hiện Dự án “Tăng cường hiện đại hóa công tác giám sát và hệ thống quản lý chất lượng không khí khu vực đô thị tại Việt Nam” do Quỹ hợp tác thể chế của Phần Lan tài trợ; Hợp tác xây dựng và thực hiện Dự án hỗ trợ hiện đại hóa công tác khí tượng thủy văn tại Việt Nam giai đoạn 3; Xây dựng đề xuất ý tưởng Dự án “Dự báo ô nhiễm không khí” sử dụng nguồn vốn đầu tư công của Chính phủ Phần Lan và các hợp tác khác.
Phối hợp với Bộ Ngoại giao Na Uy, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam và UNDP Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu vào tháng 5/2022 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phối hợp với GIZ thực hiện Dự án Hỗ trợ Việt Nam triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; Tiếp tục thực hiện Dự án “Tăng cường bảo vệ nước ngầm tại Việt Nam, pha II 2018 – 2021” do Chính phủ Đức tài trợ.
Bộ cũng tích cực phối hợp với Hà Lan triển khai các hoạt động của Văn phòng Phân ban Việt Nam – Hà Lan trong Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam – Hà Lan về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước; Triển khai Ý định thư với Đại sứ quán Hà Lan trong lĩnh vực tăng cường kiến thức về tài nguyên nước thông qua hỗ trợ kỹ thuật cho Dự án “Xây dựng các giải pháp tổng thể trữ nước vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để giải quyết các vấn đề thừa nước vào mùa lũ, thiếu nước vào mùa khô phục vụ cho phát triển bền vững ĐBSCL”; Phối hợp xây dựng đề xuất trong lĩnh vực đất đai do Chính phủ Hà Lan tài trợ kinh phí thực hiện; Hợp tác với tổ chức IDH- Hà Lan xây dựng công cụ tự động tính phí bảo vệ môi trường đối với nước thải; thử nghiệm tính toán và công bố chỉ số chất lượng nước (WQI): hoàn thiện các chức năng phần mềm; đề xuất pha 2 của dự án.
Đồng thời tiếp tục thúc đẩy triển khai các nội dung hợp tác trong khuôn khổ Bản ghi nhớ với Bộ Môi trường, Đất đai và Nước Italia; Hợp tác thực hiện Dự án “Thiết lập và triển khai Hệ thống thông tin địa lý về tính dễ tổn thương do biến đổi khí hậu, đánh giá rủi ro và giám sát môi trường cho Việt Nam dựa trên công nghệ viễn thám” sử dụng kinh phí của Chính phủ Italia (3 triệu Eur) và vốn đối ứng của Việt Nam; Tiếp tục triển khai Dự án “Xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát việc vận hành của các hồ chứa thủy điện và hệ thống hỗ trợ ra quyết định vận hành hồ chức thủy điện trên lưu vực sông Hồng – Thái Bình”.
Bên cạnh đó Bộ cũng tiếp tục triển khai các hoạt động hợp tác theo Biên bản ghi nhớ với Cục Địa chất Đan Mạch và Greenland; Đề xuất và trao đổi hợp tác với Cục địa chất Đan Mạch và Greenland xây dựng văn kiện chi tiết Dự án “Giảm thiểu rủi ro trong phát triển điện gió ở Việt Nam thông qua phương pháp tích hợp dữ liệu quốc gia” do chính phủ Đan Mạch tài trợ.
Hợp tác với Hoa Kỳ về Đào tạo và chuyển giao công nghệ về ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát và lập bản đồ lớp phủ măt đất thuộc nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ tính toán phát thải khí nhà kính của Việt Nam.
Đối với hợp tác đa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện các hoạt động tiêu biểu như: Phối hợp với Bộ Ngoại giao Na Uy, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu vào tháng 5/2022 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; Tham dự Phiên họp Nhóm công tác Hợp tác tài nguyên nước Mê Công Lan Thương về triển khai Kế hoạch hoạt động năm 2022, bao gồm chuẩn bị tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Hợp tác Tài nguyên nước Mê Công – Lan Thương lần thứ hai tại Việt Nam, triển khai nghiên cứu chung về sự thay đổi điều kiện thủy văn trên lưu vực sông Mê Công – Lan Thương và chiến lược thích ứng, tiếp tục thiết lập Cơ chế Chia sẻ Thông tin Hợp tác Tài nguyên nước Mê Công – Lan Thương …
Làm việc với một số tổ chức quốc tế như JICA, OECD, GIZ để xem xét khả năng hợp tác và xây dựng dự án; (ii) xây dựng văn kiện Dự án “Giảm thiểu phát thải và tác động của các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, hóa chất nguy hại và thủy ngân thông qua quản lý vòng đời sản phẩm và nhãn sinh thái” đã được Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua;
Đề xuất phía WB hỗ trợ việc sửa đổi Luật Đất đai; Tiếp tục phối hợp thực hiện Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” vay vốn WB.
Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và môi trường đã phối hợp với WEF xây dựng và triển khai chương trình “Chương trình đối tác hành động quốc gia về rác thải nhựa của Việt Nam” (NPAP) theo các nội dung Ý định thư đã ký kết hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và WEF.
Tiếp tục triển khai các dự án do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tài trợ và các thỏa thuận hợp tác đã ký với UNEP; Xây dựng các đề xuất dự án mới xin tài trợ của UNE; Dự án “Tăng cường năng lực thực hiện Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-dôn và Bản sửa đổi, bổ sung Kigali ở Việt Nam thời kỳ 2021 – 2045”; Triển khai Dự án “Tăng cường năng lực quốc gia để quản lý an toàn hóa chất và chất thải trong việc thực hiện các Công ước Basel, Rotterdam, Stockholm, Minamata và Phương pháp tiếp cận Chiến lược quốc tế về quản lý hoá chất (SAICM) ở Việt Nam”; Tham gia Hội nghị Stockholm + 50 nhằm kỷ niệm 50 năm Hội nghị thượng đỉnh Môi trường và con người tại Thụy Điển.
Xây dựng và trình Đại hội đồng IUCN phê duyệt Sáng kiến của Việt Nam “Hỗ trợ vùng hạ nguồn sông Mê Công quản lý xuyên biên giới trong các lĩnh vực tài nguyên nước, hệ sinh thái và đa dạng sinh học”; Phối hợp với IUCN và các tổ chức liên quan khác huy động nguồn tài trợ thực hiện Sáng kiến của Việt Nam giai đoạn 2021-2025.
Phiên họp Diễn đàn các nền kinh tế lớn về năng lượng và khí hậu
Phương hướng, kế hoạch đối ngoại TN&MT trọng tâm 06 tháng cuối năm 2022
Thời gian tới, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng trong bối cảnh sự phát triển nhanh, mạnh của khoa học công nghệ và thông tin tiếp tục chi phối công tác đối ngoại, trong đó có lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Thế giới vẫn đứng trước những thách thức lớn về vấn đề biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học dẫn đến những tác động tiêu cực và làm ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nhiều quốc gia.
Trong 06 tháng cuối năm 2022, dự báo kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các cuộc khủng hoảng, tranh chấp thương mại giữa các đầu tầu kinh tế thế giới chưa được dàn xếp ổn thỏa. Từ đó có thể dẫn tới các nguồn hỗ trợ phát triển và cho vay ưu đãi sẽ bị ảnh hưởng. Các tổ chức khu vực vì lý do giữ vững phát triển kinh tế trong nước có thể tạo nên những chia rẽ hoặc phân nhóm trong tổ chức do theo đuổi các mục đích và lợi ích riêng.
Cụ thể, các hoạt động đối ngoại TN&MT tiếp tục tập trung:
Quản lý hiệu quả, tiết kiệm trong hoạt động đoàn ra, đoàn vào và tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế; tiếp tục quản lý việc triển khai thực hiện hiệu quả, thiết thực các biên bản ghi nhớ đã ký kết và chủ động đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác mới, cho các lĩnh vực/vấn đề mới;
Thực hiện và kịp thời phổ biến các quy định pháp luật mới liên quan đến các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài để giám sát quá trình thực hiện và tránh chồng chéo trong xây dựng đề xuất dự án mở mới sử dụng nguồn tài trợ nước ngoài;
Nghiên cứu, xây dựng chiến lược hợp tác tổng thể với các đối tác song phương và đa phương cũng như trong các khuôn khổ hợp tác quan trọng về lĩnh vực tài nguyên và môi trường; lồng ghép các lĩnh vực quản lý để hình thành các chương trình, dự án phù hợp với ưu tiên của nhà tài trợ để đề xuất thực hiện;
Tăng cường tham gia, phát huy vai trò đề xuất các sáng kiến, giải pháp tại các hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế nhất là các hợp tác trong khuôn khổ ASEAN và Liên hợp quốc về tài nguyên và môi trường. Tìm kiếm thêm các nguồn hỗ trợ về chuyên gia, thiết bị, kỹ thuật và tài chính từ việc tiếp cận các nguồn phi chính phủ nước ngoài hoặc từ các Quỹ hỗ trợ phát triển;
Tăng cường hợp tác về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường để có thể tiếp cận các công nghệ khai thác tài nguyên và xử lý môi trường tiên tiến, hạn chế các tác động tiêu cực. Chủ động, tích cực vận động, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ cho đào tạo, tăng cường năng lực nhằm phục vụ cho các mục tiêu lâu dài;
Tiếp tục xây dựng một số dự án hợp tác quốc tế để giải quyết các vấn đề mang tính chất đa ngành/lĩnh vực và liên vùng, xuyên biên giới tập trung vào các lĩnh vực được nhiều tổ chức phi chính phủ nước ngoài quan tâm như: thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, chống xói lở bờ sông, bờ biển, giám sát xâm nhập mặn, kiểm kê trữ lượng các bon mặt đất, tính toán phát thải khí nhà kính,…
Nguồn: Bộ tài nguyên và môi trường