Tại các nhà vườn Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, giá sầu riêng Ri6 được thương lái thu mua (mua xô) chỉ còn 50.000 đồng/kg, giảm 20.000 đồng so với đầu tháng 4, giảm 120.000 đồng so với mức giá kỷ lục đầu tháng 2.
Giá rẻ vì nguồn cung nhiều
Hiện các thương lái đang mua sầu riêng xuất khẩu loại 1 giá 55.000 đồng/kg, loại 2 là 48.000 đồng/kg. Với sầu Thái loại 1, giá thu tại vườn 60.000 đồng/ kg, hàng loại 2 khoảng 50.000 đồng/kg. Riêng với hàng mini, giá thu mua 40.000 đồng một kg. Các loại sầu riêng đều giảm từ 30- 40% giá só với thời điểm trước 15/4.
“Hiện Ri6 khá dồi dào, nhiều nhà vườn sản lượng cao nên có ngày thu hoạch được cả trăm tấn. Riêng sầu Thái, sản lượng thấp nên đơn hàng xuất khẩu giảm”, một thương lái cho biết.
Theo các thương lái, nguyên nhân khiến sầu giảm giá về bằng với mức thu mua năm ngoái là vì các đối tác Trung Quốc không còn mua ồ ạt như trước đó. Họ tỏ ra không nóng vội vì hàng Thái Lan, Philippines cũng đang vào vụ. Họ đang cân nhắc nhiều hơn trong hoạt động nhập khẩu sầu riêng để có mức giá hợp lý. Hiện, Philippines, quốc gia vừa được Trung Quốc cấp phép xuất khẩu chính ngạch sầu riêng, kỳ vọng sẽ xuất 54.000 tấn trong năm nay.
Bên cạnh đó, nguồn cung sầu riêng ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long tăng cao. Tại các khu vực miền Đông Nam Bộ, sầu riêng cũng sắp thu hoạch.
Trả lời VTC News, ông Đăng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, hiện nay các ngành rau quả đang gặp nhiều thuận lợi, riêng chỉ có sầu riêng là đang gặp nhiều khó khăn, bởi mã số vùng trồng hiện nay mới chỉ được cấp hơn 245 mã (mỗi mã vùng trồng 10ha, mỗi ha đạt năng suất khoảng 20 tấn quả) nên sản lượng sầu riêng còn tồn rất lớn.
“Hiện nay nhiều doanh nghiệp đã xuất khẩu hết Quota (hạn ngạch), giờ muốn xuất khẩu nữa cũng không được. Hiện không có Quota thì người ta sẽ phải xử lý bằng nhiều cách khác nhau như chế biến, bán trong nước, thậm chí tìm hướng xuất khẩu đi các nước khác chứ không riêng Trung Quốc, thậm chí là xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Tuy nhiên xuất khẩu như vậy sẽ không mang tính ổn định lâu dài”, ông Nguyên nói.
Không đổ xô đi trồng sầu riêng
Cũng theo ông Nguyên, dự báo sản lượng sầu riêng năm 2023 dự kiến khoảng 1 triệu tấn và ½ số đó cần được xuất khẩu.
“Nếu mình không được cấp mã số vùng trồng nhiều thì việc xuất khẩu sầu riêng không chỉ năm 2023 mà trong những năm tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do vậy, chúng tôi mong Cục Bảo vệ thực vật phải có hướng dẫn cho nhà vườn sầu riêng cách trồng, cách bố trí để phía bên Trung Quốc kiểm tra, cấp mã vùng trồng đạt được 100%. Cách duy nhất là phải tăng mã số vùng trồng để nâng cao giá trị cho sầu riêng, tránh tồn đọng, ùn ứ”, ông Nguyên nói.
Cũng trả lời VTC News, ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, cây sầu riêng hiện đang phát triển nóng, kể từ sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam ký nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc. Cũng từ đó đã dẫn đến phong trào phát triển rầm rộ, phát triển nóng loại cây này.
“Chỉ tính từ đầu năm 2021 đến hết năm 2022 diện tích sầu riêng đã tăng vượt khoảng 26.000 hecta, nâng tổng số diện tích loại cây trồng này lên khoảng 100.000 hecta. Trong khi đó, theo Quyết định số 4085 ngày 27/11/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực toàn quốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, diện tích sầu riêng khuyến cáo là khoảng 65.000 đến 75.000 hecta, sản lượng từ 830 đến 950.000 tấn”, ông Cường nói.
Cũng theo ông Cường, loại cây này cũng chỉ tập trung phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm: Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, vùng Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Phước, Tây Nguyên gồm Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông.
Cây sầu riêng cần được trồng ở những vùng thuận lợi, trong khi người dân đổ xô đi trồng, thậm chí trồng cả ở những đất đất trũng, đất bạc màu, trồng xen canh với cây tiêu. Diện tích và sản lượng vượt quá khuyến cáo. Theo dự báo trong năm 2023 sản lượng sầu riêng Việt Nam đạt khoảng 1 triệu tấn.
Trong khi đó, đến nay Trung Quốc mới cấp được hơn 240 mã vùng trồng, cơ sở đóng gói và khoảng có khoảng 30 mã đang trong quá trình kiểm tra trực tuyến. Như vậy, sản lượng xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc mới chỉ chiếm khoảng từ 15 – 20% sản lượng sầu riêng ở Việt Nam, còn lại tiêu dùng nội địa vẫn là chủ yếu. Trong khi theo Nghị định thư đã ký, cứ ba năm phía Trung Quốc lại rà soát lại một lần.
Ông Nguyễn Như Cường nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp xuất khẩu cần liên kết với người dân, doanh nghiệp trồng sầu riêng để quản lý chất lượng, thương mại, sản lượng và an toàn sản xuất theo tiêu chuẩn phía đối tác đề ra.
“Chúng tôi khuyến cáo là thay vì tăng diện tích, sản lượng, các địa phương, doanh nghiệp, người dân cần phải xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng và chuẩn hóa quy trình sản xuất từ canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói, vận chuyển và phân phối… để đảm bảo hiệu quả cao và giữ được giá.
Nếu chúng ta vẫn cứ phát triển nóng như thời gian vừa rồi, giá sầu riêng còn hạ xuống nữa. Đừng để hình ảnh sầu riêng hay các loại trái câu nông sản của chúng ta bị ảnh hưởng bởi sự phát triển nóng, sản xuất không theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, không đảm bảo an toàn từ phía những nhà nhập khẩu”, ông Cường cho biết.
Ông Cường cũng khuyến cáo, chính quyền địa phương và người dân không mở rộng diện tích ở những vùng có điều kiện đất đai kém màu mỡ, thiếu nước tưới, không tự chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng sầu riêng mới và không tự phát chuyển đổi các vườn trồng xen.
“Chúng ta cũng phải quản lý giống chặt chẽ, bởi vì giống cây ăn quả, nhất là sầu riêng có thời gian đầu tư lớn, thời gian ít nhất 3 năm mới được khai thác. Do vậy là các địa phương cần phải phải rà soát, chỉ phát triển việc trồng cây sầu riêng ở những vùng có lợi thế, có quy hoạch thì mới phát triển bền vững được”, ông Cường khuyến cáo.
Đọc bài gốc tại đây.