TP – Thiếu đơn hàng, luật bảo vệ rừng của châu Âu sắp có hiệu lực với các quy định khắt khe… là những khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp (DN) ngành da giày và chế biến gỗ. Nguy cơ DN đóng cửa, thậm chí phá sản, lao động mất việc đang hiển hiện trước mặt…
Gia công giày thể thao cho một nhãn hiệu nổi tiếng, đại diện Công ty CP Giày Thiên Lộc (TPHCM) cho biết, hiện nay DN sản xuất chỉ khoảng 187.000 đôi/tháng thay vì 300.000 đôi/tháng như trước. Sản phẩm giảm 40% do đối tác giảm đơn hàng. Dự báo sang tháng 6, tháng 7, tình hình có thể còn xấu hơn.
Lãnh đạo Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương cho biết, sắp tới ngành chế biến gỗ càng khó khăn hơn khi Nghị viện châu Âu đã thông qua luật mới cấm nhập khẩu các hàng hóa bị cho là liên quan hoạt động phá rừng, nhằm thúc đẩy nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu. Các sản phẩm gỗ nếu liên quan tới hành động phá rừng sẽ bị cấm nhập khẩu vào EU.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày TPHCM nhìn nhận: DN ngành da giày đang trong tình trạng “lên bờ xuống ruộng” vì không có đơn hàng xuất khẩu. Theo ông Khánh, hiện nay đơn hàng xuất khẩu giảm tới 60-70%. Thị trường nội địa cũng không có ngoại lệ. Nhiều năm trước, giai đoạn này DN sẽ có đơn hàng đến tháng 7, tháng 9 nhưng tại thời điểm này hầu như không có. Một số DN hoạt động cầm chừng, thậm chí một số nơi đã đóng cửa nhưng không công bố.
Công nhân sản xuất đồ gỗ trong nhà máy ở Bình Dương. Ảnh: H.C |
“Trước đây, chúng tôi dự đoán đến hết quý 2/2023, đơn hàng sẽ tăng trở lại. Tuy nhiên, mới đây nhiều đại gia ngành da giày đã rút đi nên không thể đoán định đơn hàng lúc này. Chúng tôi khuyến khích chủ DN đi nhiều hơn, tham gia các hội chợ để tìm đơn hàng, tìm đối tác, không phải ở châu Âu nữa mà chuyển hướng sang châu Á, thậm chí cả châu Phi. Chúng ta không nên “bỏ trứng vào một giỏ” để giải quyết khó khăn lúc này”, ông Khánh nói.
Ngành chế biến gỗ cũng đang gặp khó khăn không kém. Bình Dương hiện có khoảng 1.300 DN chế biến và xuất khẩu gỗ. Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của tỉnh này chiếm tới 43% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2022, Bình Dương xuất siêu đạt 9,2 tỷ USD, chiếm trên 80% của cả nước. Mỹ là thị trường lớn nhất, chiếm hơn 60% thị phần xuất khẩu gỗ của Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Tuy nhiên, theo một số DN gỗ ở Bình Dương, từ cuối năm 2022 đến nay nhu cầu của thị trường Mỹ sụt giảm mạnh khiến lượng hàng xuất đi chỉ còn khoảng 35% sản lượng sản xuất của nhà máy.
Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp
“Trước đây 100% sản phẩm ván sàn của chúng tôi chỉ tập trung xuất khẩu đi Mỹ, nay chỉ khoảng 35%. Khi thị trường Mỹ chững lại, chúng tôi tìm cách chuyển hướng sang các thị trường khác như Australia, Canada… để bù đắp. Dù vậy, tình hình kinh tế khó khăn chung nên để ổn định cần có thời gian”, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Sao Nam Đỗ Thị Kim Loan chia sẻ.
Theo bà Loan, để tồn tại trước khó khăn và tạo việc làm cho người lao động, công ty phải thích nghi, chấp nhận làm gia công cho khách hàng ở Australia. Theo đó, các nhà nhập khẩu ván gỗ Australia chuyển nguyên liệu sang cho Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Sao Nam theo hình thức tạm nhập tái xuất, thực hiện các công đoạn gia công, đóng gói và xuất trở lại.
Ông Lê Minh Nghị, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng, kiến trúc AA (Bình Dương) cho biết, trong bối cảnh đơn hàng tại thị trường Mỹ sụt giảm, DN đã chuyển hướng sang các thị trường khác như Mexico, Chile hay bán đảo ở Caribbean… Theo ông Nghị, giá trị xuất khẩu đồ gỗ từ Việt Nam đến thị trường các nước giảm, chưa phục hồi.
Là DN sản xuất, kinh doanh ngành gỗ lớn tại Bình Dương, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành cũng “kiệt sức”. Trong kế hoạch năm 2023, gỗ Trường Thành đặt mục tiêu doanh thu 2.222 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 54 tỷ đồng, tăng 15 lần so với thực hiện trong năm 2022. Tuy nhiên, kết thúc quý I/2023, Trường Thành mới hoàn thành 4,7% kế hoạch.
Đại diện Công ty gỗ Trường Thành nhận định, ngành gỗ sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn kéo dài. Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ (BIFA) tỉnh Bình Dương Nguyễn Liêm cho biết, theo khảo sát của BIFA, sắp tới, nhiều nhà máy chế biến gỗ ở Bình Dương có thể không có đơn hàng để sản xuất, phải đóng cửa. Quý I/2023, ngành gỗ Bình Dương sụt giảm đơn hàng đến 41%. Hiện nay, nhiều DN gỗ ở Bình Dương chọn giải pháp quay về sân nhà, tiếp cận thị trường nội địa để duy trì. Một số DN chuyển hướng từ sản xuất sang gia công, số khác thay đổi mô hình hoạt động, đáp ứng yêu cầu khắt khe hơn.
Đọc bài gốc tại đây.