Trong 2 ngày 14/3/2022 và 15/3/2022, tại huyện Chợ Mới (An Giang) và thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp), Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang và tỉnh Đồng Tháp tổ chức 02 hội thảo “Phổ biến các quy định kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm đối với thị trường Nhật Bản”, đặc biệt là quy định về cấp mã số vùng trồng vào thị trường này cho nông dân, hợp tác xã, hội quán trên địa bàn hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp.
Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp, có thêm 22 điểm cầu trực tuyến tại An Giang và 11 điểm cầu trực tuyến tại Đồng Tháp, với sự tham gia của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và trạm BVTV các huyện trồng nhiều xoài của hai tỉnh.
Các điểm cầu tại Đồng Tháp
Các điểm cầu tại An Giang
Bà Nguyễn Thị Thu Hương – Cục phó Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) thông tin, xoài tươi của Việt Nam đã xuất đi được 22 nước trên thế giới. Trong năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng lượng xoài tươi xuất khẩu của Việt Nam vẫn tăng mạnh, với 600 ngàn tấn/năm, tăng khoảng 70 ngàn tấn so với năm 2020. Riêng thị trường Nhật Bản, xuất được hơn 600 tấn, tăng gấp 3 lần so với năm 2020.
Về cấp mã số vùng trồng, đến nay, cả nước đã cấp được 845 mã số vùng trồng, với diện tích trên 42.000 ha, chiếm khoảng 31% tổng diện tích trồng xòai trên cả nước. Riêng đồng bằng sông Cửu Long đã cấp được 642 mã số vùng trồng, với diện tích trên 21.000 ha, chiếm khoảng 43% tổng diện tích trồng xoài toàn vùng. Trong đó, Đồng Tháp hiện có 115 mã số vùng trồng xoài, với tổng diện tích khoảng 5.570ha, chiếm gần 56% tổng diện tích xoài toàn tỉnh. Tỉnh An Giang hiện có 139 mã số xoài, với diện tích trên 6.734 ha, chiếm tỷ lệ 37% tổng diện tích cây ăn quả.
Nhật Bản hiện là thị trường tiềm năng của trái xoài Việt Nam, tuy nhiên, hiện nay các yêu cầu nhập khẩu đối với thị trường này đã có sự thay đổi. Cụ thể, Nhật Bản yêu cầu xoài Việt Nam phải đảm bảo các quy định về vùng trồng; quy trình canh tác; quy trình sơ chế đóng gói… Chính vì vậy, để xuất khẩu ổn định sang thị trường này đòi hỏi các cơ quan chuyên ngành, địa phương và nông dân, phải có cách tổ chức, giám sát phù hợp, hiệu quả.
Tại hội thảo, bên cạnh việc tiếp thu, thảo luận các vấn đề liên quan đến việc sản xuất đáp ứng các quy định của thị trường Nhật Bản. Nhiều nông dân, doanh nghiệp cũng đề xuất các giải pháp để mở rộng diện tích mã số vùng trồng: Cần có một mô hình điểm, trong đó có sự tham gia, liên kết 4 nhà, khi đầu ra thuận lợi nông dân sẽ mạnh dạn tham gia, mở rộng diện tích sản xuất theo mô hình sạch, an toàn, đáp ứng yêu cầu mở rộng mã vùng trồng; có những quy định quản lý mã vùng trồng hợp lý, tránh việc vi phạm sử dụng mã vùng trồng như thời gian qua…
Ông Lê Quốc Điền – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết, tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục tăng cường tập huấn nâng cao kiến thức thực hành sản xuất an toàn, cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói gắn truy suất nguồn gốc sản phẩm phục vụ thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Cụ thể, kế hoạch đến năm 2025, diện tích cấp mã số vùng trồng trên cây ăn trái của tỉnh là 40.810ha, rau màu là 10.549ha và lúa là 190.170ha.
Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang thì việc cấp mã số, kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng có ý nghĩa quan trọng đối với xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt của tỉnh An Giang. Phấn đấu trong năm 2022, An Giang có kế hoạch cấp 860 mã số vùng trồng được cấp cho các cây trồng chủ lực như lúa, xoài, cây có múi, nhãn, mít, sầu riêng và rau màu các loại, trong đó với lúa cấp 543 mã trên 38.010 ha, rau màu cấp 185 mã trên 925 ha và cây ăn trái cấp 131 mã trên 2.620 ha.
Đây cũng là các cam kết trong kế hoạch mà Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp đã ký kết với Cục Bảo vệ thực vật trong Chương trình phát triển mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và các mô hình sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, tiết kiệm trong thời hạn năm 2021 đến 2025.