Mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa phục hồi, song với nền tảng vĩ mô ổn định, cùng với các biện pháp đồng bộ hỗ trợ sản xuất trong nước và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ nên sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 5 đã có những tín hiệu khởi sắc.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, bối cảnh thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường. Cạnh tranh chiến lược nước lớn gay gắt hơn, kéo theo sự tham gia của nhiều quốc gia, khu vực; chính sách tiền tệ thắt chặt tác động mạnh hơn tới doanh nghiệp, các hoạt động kinh tế, đầu tư, tiêu dùng toàn cầu; nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng chậm lại, thậm chí rơi vào suy thoái, trong khi lạm phát vẫn ở mức cao, rủi ro tăng trở lại; Trung Quốc phục hồi chưa bền vững; rủi ro hệ thống ngân hàng, nợ công, nợ của doanh nghiệp,… gia tăng; phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức khi nhiều quốc gia phát triển sử dụng để tạo hàng rào nhập khẩu…
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, năm 2023 sẽ là năm khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước tác động từ cả bên trong và bên ngoài. Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó có khả năng chịu tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, nhất là chính sách lãi suất – tỷ giá. Hai động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là xuất khẩu và tiêu dùng trong nước có thể gặp nhiều thách thức. Cán cân thương mại được dự báo tiếp tục cải thiện, tuy nhiên xuất khẩu sẽ đối mặt với các thách thức chung của các thị trường đối tác. Nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát có xu hướng tăng, cản trở sự hồi phục kinh tế…
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận định đúng tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, linh hoạt trong điều hành để hài hòa các mục tiêu trước mắt và lâu dài; phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, thực hiện quyết liệt các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, đặc biệt là bám sát tình hình biến động của kinh tế thế giới để linh hoạt trong điều hành, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển. Tình hình phát triển ngành Công Thương trong tháng 5 và 5 tháng năm 2023 như sau:
Mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa phục hồi, song với nền tảng vĩ mô ổn định, cùng với các biện pháp đồng bộ hỗ trợ sản xuất trong nước và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu được triển khai mạnh mẽ nên sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại tháng 5 đã có những tín hiệu khởi sắc.
Tuy nhiên, là nền kinh tế có độ mở lớn, khả năng chịu đựng với các cú sốc bên ngoài còn yếu, phụ thuộc nhiều vào khối FDI (trong 5 tháng đầu năm 2023, chiếm 74% kim ngạch xuất khẩu, 65% kim ngạch nhập khẩu); công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển, sản xuất, xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu… Trong khi đó, chi phí đầu vào, bao gồm chi phí nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, logistics, lãi vay mặc dù đang giảm dần nhưng còn ở mức cao; thị trường đầu ra bị thu hẹp, đơn hàng giảm mạnh, một số lĩnh vực chỉ mới có tín hiệu phục hồi đơn hàng từ đầu quý III/2023… đã tác động làm suy giảm sản xuất công nghiệp và xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm 2023, cụ thể:
Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao
– Về chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP): Mặc dù chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam trong tháng 5 tiếp tục giảm xuống 45,3 so với mức 46,7 điểm trong tháng 4 (là lần suy giảm tháng thứ ba liên tiếp, kể từ tháng 3/2023), cho thấy ngành sản xuất tiếp tục suy giảm khi tình trạng nhu cầu tiếp tục yếu kém; sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh hơn khi các công ty giảm việc làm và hoạt động mua hàng tương ứng. Tuy nhiên, với những nỗ lực trong việc tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh để mở rộng, thúc đẩy sản xuất nên chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 ước tính tăng 2,2% so với tháng trước và tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước (ngành chế biến, chế tạo giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; ngành khai khoáng giảm 2,9%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,8%).
Tính chung 5 tháng năm 2023, tình hình kinh tế thế giới những tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn, đơn hàng xuất khẩu giảm đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm 2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,1%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 2,5% (cùng kỳ tăng 8,9%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,8%; ngành khai khoáng giảm 3,5%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,4%.
Phân theo địa phương, IIP trong 5 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 49 địa phương và giảm ở 14 địa phương trên cả nước. Trong đó, một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao (như: Gia Lai tăng 21,7%; Tuyên Quang tăng 18,6%; Bắc Giang tăng 15,9%; Phú Thọ tăng 15,3%; Hải Phòng tăng 13,4%; Nam Định tăng 13,3%; Kiên Giang tăng 13,1%; Phú Yên tăng 12,3%; Hậu Giang tăng 8,3%…) hoặc do ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao (như Hậu Giang tăng 270,9%; Thái Bình tăng 63,3%…).
Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm (như Quảng Nam giảm 36,7%; Bắc Ninh giảm 19,1%; Vĩnh Long giảm 16,6%; Sóc Trăng giảm 16,5%; Đà Nẵng giảm 4,8%; Hòa Bình giảm 4,6%.) hoặc do ngành sản xuất, phân phối điện giảm (như: Hà Giang giảm 33,4%; Lai Châu giảm 28,5%; Sơn La giảm 11,9%; Hòa Bình giảm 6,2%; Đà Nẵng giảm 2,7%).
Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/5/2023 tăng 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước và giảm 4,8% so với cùng thời điểm năm trước.
Chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm 2023 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II giảm so với cùng kỳ năm trước, như: Sản xuất xe có động cơ giảm 10,1%; sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 8,5%; sản xuất trang phục giảm 8,3%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 5,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ giảm 5,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 5,6%; sản xuất kim loại giảm 5,5%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học giảm 5,1%. Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như: Khai thác quặng kim loại tăng 13%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 12,7%; sản xuất sản phẩm thuốc lá tăng 8,6%; hoạt động thu gom, xử lý và tiêu huỷ rác thải, sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị cùng tăng 8,1%; sản xuất đồ uống tăng 6,5%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 6,3%; khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 5,4%.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong 5 tháng đầu năm 2023 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Đường kính tăng 31,1%; xăng, dầu tăng 13,5%; vải dệt từ sợi nhân tạo tăng 10,6%; phân hỗn hợp NPK tăng 9,2%; thuốc lá điếu tăng 8,6%; ti vi tăng 7%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 24%; thép thanh, thép góc giảm 20,1%; điện thoại di động giảm 16,4%; vải dệt từ sợi tự nhiên và linh kiện điện thoại cùng giảm 10,1%; quần áo mặc thường giảm 9,8%.
Trong những tháng tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, Tổ chức làm việc với một số ngành, địa phương trọng điểm về công nghiệp để kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất; Tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu; Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ tháo gỡ khó khăn về vốn (như: rà soát để tiếp tục đề xuất miễn giảm một số khoản thuế, phí) và giải pháp về tiền tệ (tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng), tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khu vực chế biến, chế tạo có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển.