Ngày 4-5, tại hội nghị “Giải pháp phát triển vùng tập trung nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao quy mô 300ha”, ngành nông nghiệp Bến Tre đặt mục tiêu sẽ phát triển 5.800ha tôm công nghệ cao vào năm 2030.
Trong vài năm gần đây, việc đầu tư cho nghề nuôi tôm nước lợ của người dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt nhất là mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao mang lại hiệu quả cao.
Theo ông Buội, một trong những cột mốc đánh dấu sự phát triển về loại hình nuôi tôm nước lợ đó là sự chuyển đổi nhanh từ hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh truyền thống sang nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.
Khởi đầu vào năm 2018 với diện tích chỉ khoảng 550ha, nhưng đến cuối năm 2022 toàn tỉnh đạt 2.567ha. Năng suất bình quân 60-70 tấn/ha mặt nước, lợi nhuận trung bình 700-800 triệu đồng/vụ nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao được xem là một trong những cách thức nuôi tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao, vì đây là mô hình nuôi quản lý tốt dịch bệnh trên tôm, tôm nuôi được nhiều vụ trong năm, đạt trọng lượng như mong muốn, tỉ lệ nuôi thành công cao, góp phần tăng lợi nhuận cho công ty và hộ dân đầu tư mô hình.
Tuy nhiên, theo ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre, hiện việc phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ cao gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân hạ tầng thủy lợi nhiều nơi chưa hoàn thiện, hệ thống kênh cấp, thoát nước chưa đảm bảo gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và kiểm soát dịch bệnh.
Bên cạnh đó, người dân còn e ngại chưa dám mạnh dạn đầu tư theo mô hình nuôi hai giai đoạn, bởi đây là mô hình nuôi tôm kỹ thuật cao, với chi phí đầu tư ban đầu lớn, nhưng chưa được quan tâm từ các ngân hàng. Trong khi vốn trong dân thì rất ít người đủ điều kiện đầu tư.
Ông Buội cho biết thêm theo lộ trình, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ cao đến năm 2025 đạt 4.000ha với sản lượng đạt 144.000 tấn, đến năm 2030 khoảng 5.800ha với sản lượng đạt 208.800 tấn.
Tại hội nghị, các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học cùng doanh nghiệp và người dân đã cùng đóng góp ý kiến để phát triển các vùng nuôi tôm công nghệ cao nhằm nâng tầm, góp phần đưa ngành thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bến Tre.