Ngày 28-6, tại Nhà văn hoá lao động tỉnh Đồng Tháp bắt đầu khai mạc chuỗi sự kiện hợp tác thương mại đầu tư giữa tỉnh này và Ấn Độ.
Hội nghị Hợp tác thương mại, đầu tư giữa Ấn Độ và Đồng Tháp diễn ra trong hai ngày 28 và 29-6 với sự tham dự của hơn 130 doanh nghiệp.
Ông Lê Minh Hoan – bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn – chia sẻ nhiều nét tương đồng trong văn hoá và sản xuất nông nghiệp giữa Việt Nam và Ấn Độ, đồng thời kỳ vọng sự kiện này mở ra một bước đột phá mới trong hợp tác thương mại của hai bên, nhất là thực hiện chế biến sâu các loại nông sản tại tỉnh Đồng Tháp.
“Có một dấu ấn rất đặc biệt vào những năm 1960 Ấn Độ là một trong những quốc gia đầu tiên khởi xướng cuộc cách mạng xanh, từ quốc gia nghèo đói trở nên tự chủ về lương thực, cùng với thế giới. Để chúng ta có niềm tin rằng với tiềm năng và sức sống về mặt khoa học công nghệ, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, hai bên sẽ hợp tác sâu nhiều lĩnh vực, trong đó hướng tới tỉnh Đồng Tháp tham gia vào đề án 1 triệu ha lúa tại ĐBSCL”, ông Hoan nói.
Ông Madan Mohan Sethi – Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại TP.HCM cho biết Ấn Độ đã xây dựng nhà máy sản xuất dầu cám gạo và chế biến thực phẩm tại Đồng Tháp với mức đầu tư hàng triệu USD.
“Việt Nam có vị trí địa lý chiến lược, một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn trên thế giới. Mặc dù sự đầu tư còn khá ít, chủ yếu các lĩnh vực công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo, điện và khai khoáng. Tại hội nghị này, các công ty, doanh nhân Ấn Độ và Việt Nam tìm hiểu đầu tư các lĩnh vực khác nhau như: chế biến nông sản và thực phẩm, dệt may, hóa chất, nhựa, kỹ thuật, dược phẩm…”, ông Sethi nói.
Trao đổi lề hội nghị, ông Phạm Thiện Nghĩa – chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp – cho biết thời gian qua tỉnh thực hiện song song nhiều chiến lược vừa đổi mới mạnh mẽ tiểu thủ công nghiệp, thu hút đầu tư, vươn lên thoát nghèo, tạo bước phát triển nhanh, bền vững hơn.
“Hội nghị tập trung vào năm nhóm ngành hàng: nông sản, logistic, chuyển đổi số công nghệ thông tin, du lịch và hạ tầng các khu công nghiệp rất phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh. Tôi tin rằng các doanh nghiệp Ấn Độ trước đây đã đến đầu tư, hôm nay các doanh nghiệp quay trở lại tạo thành một làn sóng mạnh mẽ hơn nữa, tạo ra điểm đến hấp dẫn, là một trong những địa phương khởi sắc, tạo chuyển biến cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước”, ông Nghĩa nói.
Đọc bài gốc tại đây.