Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 70.000 – 72.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay 12/6/2023, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng đột biến, đơn hàng đi Mỹ, EU, Saudi Arabia giảm, vì sao? (Nguồn: EMediHealth) |
Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước đi ngang ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 70.000 – 72.000 đồng/kg.
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 70.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (71.000 đồng/kg); Bình Phước (71.500 đồng/kg) và Bà Rịa – Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 72.000 đồng/kg.
Trên thị trường quốc tế, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Việt Nam giao dịch ở 3.500 USD/tấn với loại 500 g/l, loại 550 g/l mức 3.600 USD/tấn; giá tiêu trắng ở mức 5.000 USD/tấn.
Như vậy, sau 5 phiên giảm giá liên tiếp, thị trường hồ tiêu trong nước ghi nhận phiên đi ngang đầu tiên.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu được 131.777 tấn hồ tiêu các loại, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 408,9 triệu USD.
So với cùng kỳ năm ngoái lượng xuất khẩu tăng 30%, tuy nhiên, giá trị xuất khẩu giảm 12,7%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen đạt 3.443 USD/tấn, tiêu trắng đạt 4.955 USD/tấn, giảm lần lượt 21,7% và 18,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Về thị trường, xuất khẩu sang khu vực châu Á tiếp tục là điểm sáng, đạt 78.907 tấn, tăng 77,2% và chiếm 59,9% tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam; trong đó Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chính đạt 46.169 tấn, chiếm 35% và tăng 1.668,9% so với cùng kỳ năm 2022, xuất khẩu vào Philippines đạt 3.305 tấn, tăng 26,1%.
Cũng tại khu vực châu Á nhưng xuất khẩu hồ tiêu sang Saudi Arabia 5 tháng đầu năm 2023 giảm 25,3%, đạt 6.230 tấn; xuất khẩu sang Ấn Độ đạt 4.989 tấn, giảm 40,7%. Xuất khẩu sang khu vực châu Phi tăng 38,9%; trong đó, Ai Cập đạt 2.179 tấn, tăng 140%; Senegal đạt 1.523 tấn, tăng 104,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở khu vực châu Mỹ, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam 5 tháng đầu năm giảm 13,1% chiếm 18% thị phần; trong đó, lượng xuất khẩu sang Mỹ giảm 15,5% đạt 21.093 tấn. Khu vực Liên minh châu Âu (EU) hiện chiếm 16,8% tổng kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam nhưng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng giảm 9,4% so với cùng kỳ.
Về nguyên nhân xuất khẩu hồ tiêu vào Mỹ và EU sụt giảm, bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch VPSA lý giải, các nhà mua hàng khu vực này có tâm lý chờ đón thêm hàng vụ mới từ Indonesia (tháng 7 – 8) và Brazil với hy vọng giá mua giảm xuống.
Ngoài ra, lượng hàng tồn từ các năm trước đang còn cũng giúp cho các nhà mua từ EU và Mỹ nấn ná chưa vội tham gia thị trường trong 5 tháng qua.
Theo báo cáo của IPC, sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2022 ước đạt 537 ngàn tấn, giảm 2% so với năm 2021. Sản lượng giảm chủ yếu đến từ Indonesia và Việt Nam. Dự báo sản lượng hồ tiêu toàn cầu năm 2023 tiếp tục giảm khoảng 1% so với năm 2022, đạt khoảng 531 ngàn tấn.
Báo cáo mới nhất của công ty chuyên kinh doanh gia vị và thảo mộc Harris Freeman cho thấy, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam trong vụ vừa qua khá tích cực, nhưng đang có những lo ngại về sản lượng của các quốc gia khác như Indonesia, Brazil, Malaysia…
Theo đó, tại thị trường Việt Nam, những cơn mưa kéo dài trong giai đoạn phát triển của trái tiêu đã mang lại sản lượng tốt ở nhiều khu vực sản xuất của Việt Nam trong vụ vừa qua.
Tương tự tại Indonesia, mùa mưa kéo dài năm ngoái đã dẫn đến sản lượng vụ thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 2 năm nay khá tốt. Song, với việc La Nina ba năm liên tiếp sắp kết thúc, có những lo ngại về hình thái thời tiết El Nino trong năm nay có thể ảnh hưởng đến năng suất của nước này.
Song song đó, tình hình mưa lớn và lũ lụt tại Brazil đã ảnh hưởng đến các khu vực trồng trọt ở bang Espirito Santo và Bahia trong thời gian từ tháng 12/2022 đến tháng 1/2023.
Tình hình mưa liên tục và lũ lụt đã dẫn đến sự lây lan của bệnh vàng lá trên cây hồ tiêu, đặc biệt là ở các vùng phía bắc của Espirito Santo. Vụ thu hoạch sẽ bắt đầu ở các tỉnh phía Nam Brazil vào tháng 6 và mưa quá nhiều có thể ảnh hưởng xấu đến sản xuất.
Đọc bài gốc tại đây.