Hàng năm, sản lượng quả vải cả nước đạt khoảng 200.000-250.000 tấn, tập trung chính ở Bắc Giang, Hải Dương và một số vùng lân cận khác. Dự báo năm nay, sản lượng vải thiều tốt, tiêu thụ thuận lợi khi các công đoạn để xuất khẩu vải vào các thị trường chính đã được khởi động sớm.
Vải thiều được mùa, chất lượng tốt
Chia sẻ với PV Lao Động, ông Nguyễn Tú Nam – Phó Trưởng phòng Kinh tế tổng hợp, UBND tỉnh Bắc Giang – cho hay, diện tích trồng vải thiều của tỉnh năm 2023 tăng khoảng 1.400 ha, năm nay tổng diện tích vải thiều của tỉnh đạt 29.700 ha; sản lượng dự kiến đạt trên 180.000 tấn.
Ông Nguyễn Văn Hà – nông dân trồng vải thiều tại huyện Tân Yên (Bắc Giang), cho hay, vải chín sớm đã được thu hoạch từ gần 1 tuần nay và bắt đầu bán trên thị trường. Sau vải chín sớm (kết thúc trong 3 tuần tới), sẽ bắt đầu thu hoạch vải chính vụ, dự kiến bắt đầu từ ngày 10.6 kéo dài đến ngày 30.7.2023.
Ngoài “vựa” vải thiều ở Bắc Giang, tỉnh Hải Dương cũng có diện tích vải Thanh Hà thơm ngon nức tiếng trong và ngoài nước. Sản lượng vải thiều của toàn tỉnh Hải Dương ước trên 60.000 tấn, trong đó chủ yếu tập trung tại huyện Thanh Hà.
Theo UBND huyện Thanh Hà, ngoài thị trường nội địa, vải thiều Thanh Hà được xuất khẩu sang nhiều thị trường các nước như Nhật Bản, Mỹ, Australia, Anh, Trung Quốc…
Hiện nay, vải thiều còn được trồng nhiều tại các tỉnh phía Bắc và cho chất lượng khá tốt.
Ông Hà Văn Thi (Trực Ninh, Nam Định) chia sẻ: Năm nay vải chín sớm, đã cho thu hoạch và chất lượng quả vải rất tốt, đẹp mã.
Sẵn sàng xuất khẩu vải sang các thị trường lớn
Ông Hoàng Trung – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – NNPTNT), nhấn mạnh: Vải thiều được xuất khẩu đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc mỗi năm đạt khoảng 80.000-120.000 tấn.
Theo Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, năm 2023, ngoài 84.000 tấn vải thiều được tiêu thụ tại thị trường nội địa (chiếm khoảng 46,7% tổng sản lượng, giảm 15,2% so với năm 2022), tỉnh Bắc Giang cũng đã chủ động kế hoạch để tiêu thụ 96.000 tấn xuất khẩu đi các nước (chiếm khoảng 53,3% tổng sản lượng, tăng 15,2% so với năm 2022).
Thị trường xuất khẩu tập trung chủ yếu thị trường truyền thống Trung Quốc và các quốc gia, khu vực như: châu Âu (EU), Mỹ, Australian, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Lào, Campuchia và một số nước Đông Nam Á, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và một số nước khu vực Trung Đông…
Để tăng lượng vải thiều xuất khẩu sang Mỹ, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã trao đổi với ông Nguyễn Đình Phú – Chủ tịch Hội Doanh nhân người Việt tại Mỹ (đại diện danh dự của Bắc Giang tại Mỹ) để chuẩn bị công tác tham dự hội nghị trực tuyến vải thiều vào Mỹ và kết nối quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ vải thiều vào thị trường này cho mùa vụ 2023.
Theo ông Hoàng Trung, hiện nay, Mỹ và Australian là hai thị trường yêu cầu quả vải phải được xử lí bằng phương pháp chiếu xạ. Thị trường Australia thì có nhiều thuận lợi, khi việc chiếu xạ, đóng gói vải được thực hiện ngay tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội. Hiện nay, thị trường Mỹ chỉ chấp nhận 2 cơ sở tại TPHCM và Long An đủ điều kiện chiếu xạ và đóng gói.
Để hỗ trợ người trồng vải, Cục Bảo vệ thực vật đã làm việc với APHIS, Công ty CP Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu và Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội lắp đặt, bổ sung thêm các thiết bị để cơ sở này được công nhận đủ điều kiện chiếu xạ, đóng gói vải thiều xuất khẩu vào Mỹ. Dự kiến khoảng cuối tháng 5.2023, bộ thiết bị điều khiển dây chuyền chiếu xạ theo yêu cầu của Mỹ sẽ được chuyển về Việt Nam.
Đối với thị trường Trung Quốc, năm 2023, dự kiến sản lượng tiêu thụ xuất khẩu tăng so với năm 2022.
Với thị trường Nhật Bản, năm nay, Nhật Bản đã quay lại hình thức cử chuyên gia sang Việt Nam trực tiếp thực hiện việc giám sát các lô vải xuất khẩu. Điều này cũng hỗ trợ công tác xuất khẩu vải sang thị trường này nhiều thuận lợi, hiệu quả hơn.
“Cục Bảo vệ thực vật đã phối hợp với các đơn vị liên quan giám sát và kiểm tra lại toàn bộ nhà máy xử lí tại các tỉnh Bắc Giang và Hải Dương” – ông Hoàng Trung nói.