Công ty sản xuất cà phê PT Nhật Anh ở thành phố Hồ Chí Minh đã chi 700 triệu đồng để mua 2 tấn cà phê nhân Robusta đạt giải Vietnam Amazing Cup 2023. Ảnh: Đức Huy
Những hạt cà phê đặc sản được sản xuất theo tiêu chí sạch, thân thiện với môi trường, bảo vệ sức khỏe con người… ở Đắk Lắk đã được mua đấu giá 350 triệu đồng/tấn. Đây là mức giá kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay trên thị trường cà phê nhân ở Việt Nam.
Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2 – 9 (Simexco Daklak) vừa phối hợp với Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột tổ chức phiên đấu giá lô hàng cà phê đặc sản đạt giải tại cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam – Vietnam Amazing Cup” năm 2023.
Tại buổi đấu giá, Công ty sản xuất cà phê PT Nhật Anh ở thành phố Hồ Chí Minh đã trúng đấu giá 2 tấn cà phê Robusta với giá 700 triệu đồng. Qua đó, phiên đấu giá này đã thiết lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay đối với một lô hàng cà phê nhân mang lại cho người dân Đắk Lắk. Bởi trung bình mỗi tấn cà phê nhân hiện nay chỉ xấp xỉ 50 triệu đồng/tấn.
Theo ông Phạm Thanh Hiền – Tổng Giám đốc Công ty sản xuất cà phê PT Nhật Anh, cà phê Robusta ở Đắk Lắk nếu biết cách chế biến thì chất lượng của hạt cà phê ở Đắk Lắk sẽ còn rất cao và có giá trị.
Việc công ty mua hạt cà phê nhân Robusta ở Đắk Lắk với giá kỷ lục từ trước tới này là vì lô hàng này được chế biến sạch, thân thiện với môi trường và rất tốt cho sức khỏe người dùng.
Hơn nữa, việc công ty mua lô cà phê nhân này với giá cao là sự thừa nhận và cách để từng bước đưa hạt cà phê của Việt Nam bước lên những tầm cao mới.
Việc công ty “bạo chi” như vậy cũng là thông điệp mà đơn vị muốn nhắn nhủ đến người nông dân hãy sản xuất cà phê sạch, bảo đảm các tiêu chí, yêu cầu khắt khe về chất lượng từ thị trường.
Khi cà phê có giá cao, người nông dân chắc chắn sẽ được cải thiện thu nhập và quan trọng hơn là giữ gìn, phát huy nghề truyền thống ở trên cao nguyên.
Theo ông Hiền, lô cà phê ông mua không phải là độc nhất vô nhị, ở tỉnh Đắk Lắk còn có nhiều đơn vị sản xuất cà phê chất lượng.
Chỉ có những doanh nghiệp, nhà sản xuất chế biến cà phê sạch, có chất lượng cao thì mới nâng cao được giá trị, thương hiệu cho hạt cà phê Đắk Lắk nói riêng và toàn Tây Nguyên nói chung.
“Sau khi mua lô hàng này, tôi vẫn hi vọng rằng mục tiêu xa hơn là đất nước Việt Nam sẽ tự định giá bán cà phê chứ không còn phụ thuộc vào sàn giao dịch của nước ngoài” – ông Hiền cho biết thêm.
Theo ông Lê Đức Huy – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2 – 9, Cuộc thi Cà phê Đặc sản Việt Nam đã được tổ chức 5 lần. Trong khi đó, phiên đấu giá cà phê đặc sản thì đây là năm đầu tiên thực hiện.
Việc tổ chức thành công các chương trình này đã tạo lập được thị trường Cà phê Đặc sản cho Việt Nam. Ở sân chơi này, người nông dân sẽ có dịp để trổ tài, chứng minh về mặt đẳng cấp chất lượng của hạt cà phê trong quá trình bản thân dày công chăm sóc, chế biến.
Mặt khác, ở góc độ thị trường, về phía người mua có thể chọn được sản phẩm giá trị, phù hợp với nhu cầu cao cấp mà người tiêu dùng đang mong chờ từ hạt cà phê Việt Nam.
“Giá trị của thị trường của hạt cà phê đặc sản Việt Nam hoàn toàn độc lập với giá của thị trường cà phê thương mại thường bị chi phối bởi nhiều yếu tố vĩ mô và tập đoàn tài chính, thương mại quốc tế. Thị trường này sẽ góp phần không nhỏ để nâng tổng giá trị ngành hàng Việt Nam lên 10 tỉ đô la trong 10 năm tới” – ông Lê Đức Huy cho hay.