Theo Cục Hóa chất – Bộ Công Thương, Hóa học Xanh về bản chất là việc thiết kế các sản phẩm hoặc quy trình hóa học để nhằm loại bỏ hoặc là giảm thiểu việc sử dụng cũng như là phát sinh ra các chất độc hại.
Phát triển hóa học xanh là một xu hướng tất yếu đối với công nghiệp hóa chất tại Việt Nam, nó sẽ được cụ thể hoá bởi các quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Hoá chất 2007 trong thời gian tới. Phát triển hóa học xanh vừa bảo đảm phát triển bền vững, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, các doanh nghiệp đang tiên phong trong chuyển đổi hóa chất xanh cho rằng, chưa có tiêu chí rõ ràng và các quy định về loại hóa chất gọi là “xanh” trong nền công nghiệp nên rất khó cho các nhà đầu tư, sản xuất.
Kinh nghiệm của các nước cho thấy, các tài liệu hướng dẫn chi tiết được sử dụng rộng rãi ở nhiều nước đang phát triển và được coi là “luật mềm”. Khi các mục tiêu, nguyên tắc chung đã được quy định trong luật, cơ quan quản lý có thể sử dụng các nguồn “luật mềm” làm công cụ trong việc giải thích luật và xây dựng những yêu cầu cụ thể trong quyết định phê duyệt dự án.
Luật Hóa chất Việt Nam hiện nay đã có những nội dung liên quan đến các nguyên tắc hóa học xanh như nguyên tắc giảm sử dụng hóa chất nguy hiểm, ngăn ngừa chất thải (đặc biệt là chất thải nguy hiểm). Tuy nhiên, Luật Hóa chất chưa có quy định riêng về khái niệm “hóa học xanh”.
Để có cơ sở pháp lý đầy đủ để ban hành các quy định, hướng dẫn liên quan đến các tiêu chí của các công ước quốc tế và hóa học xanh, cần bổ sung khái niệm này trong Luật Hóa chất. Tuy nhiên, do nhiều nguyên tắc trong số “12 nguyên tắc” của hóa học xanh mang tính kỹ thuật nên quy định trong luật sẽ là những tiêu chí, nguyên tắc chung, mang tính định hướng, là cơ sở cho việc ban hành các tiêu chí cụ thể.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương, ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ phải lựa chọn hóa chất thân thiện hơn với môi trường để sản xuất. Tiếp đến là nguyên tắc thiết kế tiêu dùng ít nhất các độc hại, hạn chế hóa chất thải ra bên ngoài. Quá trình sản xuất, quan tâm đến sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng chính là ô nhiễm là môi trường. Đấy là nguyên tắc của hóa học xanh.
Thời gian qua, bên cạnh những đóng góp tích cực của ngành công nghiệp hóa chất cho nền kinh tế của đất nước, gần đây, mức độ hóa chất được đo trong môi trường ngày càng tăng và nhiều sự cố hóa chất đã xảy ra. Chính vì vậy, việc chuyển đổi sử dụng hóa chất “xanh”, thân thiện môi trường đang rất cần được luật hóa để triển khai đồng bộ.
Cũng theo ông Thanh, thay vì thải ra để xử lý, chúng ta ngăn ngừa nó ngay từ trước lúc nó hình thành. Ví dụ, đồ chơi trẻ em có thể có rất nhiều hóa chất độc hại, thay vì phải chi phí cho y tế để để chữa bệnh thì nghiên cứu sản phẩm thân thiện, đó là các nguyên tắc hóa học xanh. Nguyên tắc này đảm bảo sức khỏe môi trường con người, đảm bảo môi trường, hiệu quả của sử dụng tài nguyên thiên nhiên.
Cũng về vấn đề này, mới đây, chia sẻ tại tọa đàm “Hóa học xanh trong sản xuất công nghiệp: Thách thức và giải pháp”, bà Lê Thị Thanh Thảo, Đại diện quốc gia Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên Hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam cho biết trong khuôn khổ dự án Bộ công cụ Quản lý Hóa chất (gọi tắt là IOMC) trong năm 2021 và 2022, UNIDO đã phối hợp với cơ quan chức năng của Việt Nam triển khai nhiều hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho các đối tượng liên quan, bao gồm các nhà hoạch định chính sách, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp của Việt Nam.
Đại diện UNIDO cũng cho biết tổng sản lượng công nghiệp hoá chất Việt Nam hằng năm chiếm khoảng 10-11% tổng giá trị GDP của ngành công nghiệp. Hóa chất có vai trò quan trọng và là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu trong mọi lĩnh vực sản xuất. Tuy nhiên, việc sử dụng hoá chất độc hại trong sản xuất công nghiệp đã và đang gây ra những tác động rất lớn, nguy hiểm tới môi trường và sức khoẻ con người.
“12 nguyên tắc” của hóa học xanh
1. Ngăn ngừa – Hạn chế hay ngăn ngừa việc tạo ra rác thải thì tốt hơn việc xử lý hay làm sạch sau khi rác thải đã hình thành.
2. Tiết kiệm nguyên tử – Những phương pháp tổng hợp hoá học nên được thiết kế để tích hợp tối đa tất cả vật liệu được dùng trong quá trình để tạo thành sản phẩm cuối cùng.
3. Tổng hợp hoá học ít mối nguy – Bất cứ khi nào có thể, những phương pháp tổng hợp nên được thiết kế để sử dụng và tạo ra các chất ít hoặc hầu như không có độc tính đối với sức khỏ con người và môi trường.
4. Thiết kế những hoá chất an toàn hơn – Những sản phẩm hoá học nên được thiết kế để vẫn giữ được sự hiệu quả về tính năng trong khi giảm thiểu độc tính.
5. Dung môi và tác chất phụ trợ an toàn hơn – Việc dùng những chất hoá học phụ trợ (dung môi, tác chất phân tách…) nên được giảm thiểu đến mức không cần thiết, hoặc vô hại khi được sử dụng.
6. Thiết kế hướng đến hiệu quả về năng lượng – Những yêu cầu về năng lượng của các quá trình hoá học nên được giảm thiểu khi xem xét về những tác động về môi trường và kinh tế. Nếu có thể, những phương pháp tổng hợp nên được tiến hành tại nhiệt độ phòng và áp suất khí quyển.
7. Sử dụng những nguyên liệu thô có khả năng tái tạo – Những nguyên liệu thô nên được tái tạo hơn là cạn kiệt.
8. Giảm thiểu các dẫn xuất – Những quá trình tạo dẫn xuất (biến đổi hoá học hợp chất ban đầu thành một một hợp chất mới cấu trúc tương tự nhưng mang một nhóm chức mới) không cần thiết nên được giảm thiểu hoặc phòng tránh nếu có thể vì quá trình tạo dẫn xuất đòi hỏi thêm tác chất và có thể sản sinh chất thải.
9. Quá trình xúc tác – Những tác chất xúc tác với độ chọn lọc thì vượt trội hơn các tác chất bị tiêu hao trong các phản ứng.
10. Thiết kế hướng đến tính phân huỷ – Những sản phẩm hoá học nên được thiết kế sao cho có thể phân huỷ thành những sản phẩm vô hại và không tồn đọng trong môi trường.
11. Quan trắc để ngăn ngừa chất ô nhiễm – Những phương pháp phân tích nên được phát triển cho việc quan trắc trực tiếp và kiểm soát trong toàn bộ quá trình hoá học trước khi các chất hoá học nguy hiểm hình thành.
12. Hoá học an toàn hơn hướng đến ngăn ngừa tai nạn – Chất hoá học hay sự hình thành các chất hoá học trong quá trình nên được lựa chọn để giảm thiểu những tiềm năng tai nạn hoá học như sự phát thải, và sự cháy nổ.
Nguồn: Tạp chí Công Thương