(HQ Online) – Doanh nghiệp thủy sản đang gặp vướng mắc liên quan giấy chứng nhận an toàn thực phẩm (H/C) của nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ New Zealand để chế biến xuất khẩu đi EU.
Theo phản ánh của Công ty TNHH Highland Dragon, liên quan đến chứng nhận H/C của nguyên liệu nhập khẩu từ New Zealand để chế biến sản phẩm xuất khẩu đi EU theo Quyết định số 5523/QĐ-BNN-CCPT ngày 21/12/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, mới đây, công ty này có lô hàng thành phẩm sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu từ New Zealand không được Trung tâm vùng 4 (thuộc Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường-NAFIQPM) tiếp nhận thẩm định cấp H/C, do nội dung của giấy chứng nhận HC trong hồ sơ nguyên liệu nhập khẩu không phù hợp với mục XI-chương trình xuất khẩu thủy sản vào EU theo quyết định 5523/QĐ-BNN-CCPT.
Liên quan đến Quyết định 5523/QĐ-BNN-CCPT ban hành chương trình xuất khẩu thủy sản và sản phẩm thủy sản sang EU và vấn đề cụ thể là nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ New Zealand (quốc gia có thỏa thuận với EU) để chế biến xuất khẩu vào EU, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam cho rằng, châu Âu và New Zealand có thỏa thuận song phương về các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm áp dụng đối với trao đổi thương mại động vật sống và sản phẩm động vật, được qui định tại Quyết định số 97/132/EC ngày 17/12/1996 và một số quyết định bổ sung, hướng dẫn khác.
Các lô hàng thủy sản xuất khẩu từ New Zealand sang EU được thực hiện theo Quyết định 97/132/EC kể trên với mẫu H/C kèm lô hàng được thống nhất giữa EU và New Zealand. Các lô hàng thủy hải sản được các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu từ New Zealand cũng kèm theo giấy H/C này.
Từ tháng 2/2024 kể về trước, khi Quyết định 5523/QĐ-BNN-CCPT chưa có hiệu lực, đã có rất nhiều lô hàng tương tự mà doanh nghiệp nhập nguyên liệu từ New Zealand để chế biến xuất khẩu sang EU đã được cơ quan thẩm quyền của Bộ NNPTNT (các đơn vị thuộc Cục NAFIQPM) kiểm tra, thẩm định và cấp H/C xuất khẩu sang EU.
Tuy nhiên, từ tháng 2/2024 đến nay khi Quyết định 5523/QĐ-BNN-CCPT có hiệu lực, các lô hàng tương tự này đã không được cấp chứng thư H/C xuất khẩu vào EU.
Từ vướng mắc trên, để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp xuất khẩu, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, rà soát và điều chỉnh phù hợp việc công nhận, thừa nhận lẫn nhau với các quốc gia đã có thỏa thuận với EU, trong đó đặc biệt là New Zealand, để phù hợp với các quy định hiện hành và thông lệ quốc tế, không gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh mà vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát an toàn thực phẩm.
Đồng thời, xem xét cấp chứng thư H/C cho các lô hàng xuất khẩu EU có nguồn gốc nguyên liệu nhập khẩu, như trường hợp New Zealand, đang bị từ chối hoặc chờ bổ sung để kịp giao hàng cho khách hàng EU.
Theo VASEP, những vướng mắc về kiểm tra chuyên ngành đã ảnh hưởng đến kết quả xuất khẩu của doanh nghiệp sang thị trường EU. Mặc dù, trong quý I/2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đã thu về gần 2 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ bứt phá mạnh hơn hẳn, với mức tăng trưởng 16% đạt 330 triệu USD, xuất khẩu sang Nhật Bản tương đương cùng kỳ… nhưng thị trường EU và Hàn Quốc vẫn chưa có tín hiệu hồi phục rõ nét với tôm và cá tra Việt Nam.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, để giúp các doanh nghiệp gia tăng xuất khẩu vào thị trường EU, mới đây, VASEP đã gửi công văn số 43/CV-VASEP tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị xem xét tháo gỡ vướng mắc liên quan giấy H/C của nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ New Zealand để chế biến xuất khẩu đi EU.
Nguồn: Hải quan Online